Khí sarin là chất như thế nào? Độc lực mạnh đến đâu? Nó đã được sử dụng từ khi nào? Đó là những câu hỏi mà dư luận tò mò về loại khí này.
Mặt cắt đầu đạn tên lửa Honest John của Mỹ, bên trong là các quả bom sarin M134. |
Là một chất độc thần kinh cực mạnh và gây chết người, khí sarin được phát minh ngẫu nhiên năm 19 khi một nhà khoa học nông nghiệp Đức làm việc dưới chính quyền Đức quốc xã thí nghiệm các loại thuốc trừ sâu mới. Nó là một chất không màu, không mùi, không vị, trong suốt. Chỉ cần một giọt sarin nhỏ bằng mũi kim là đã đủ gây chết người. Sarin chuyển từ dạng lỏng sang khí rất nhanh và nguy hiểm gấp 500 lần so với khí xianua.
Nếu một người bị phơi nhiễm khí sarin, chỉ sau vài giây, người này sẽ bắt đầu bị đau mắt, sùi bọt mép, yếu dần, nôn mửa, tiêu chảy và tim loạn nhịp. Quần áo mà nạn nhân phơi nhiễm sarin sẽ tiếp tục bốc khí độc trong 30 phút, khiến nhiều người tiếp xúc với nạn nhân cũng bị phơi nhiễm. Những người phơi nhiễm sarin dạng lỏng có thể xuất hiện triệu chứng trong vòng vài phút đến 18 giờ. Nếu phơi nhiễm một lượng sarin lớn dạng khí hoặc lỏng, triệu chứng sẽ nặng và đau đớn hơn như co giật, liệt, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Giữa năm 1939, công thức chất sarin được chuyển đến bộ phận vũ khí hóa học của Cơ quan vũ khí quân đội Đức. Cơ quan này đã ra lệnh cho sản xuất hàng loạt sarin để phục vụ chiến tranh. Nhiều nhà máy thí điểm được dựng lên và đến cuối Thế chiến II, Đức trong quá trình xây dang dở một cơ sở sản xuất sarin. Ước tính lượng sarin mà Đức quốc xã sản xuất vào khoảng 500 kg đến 10 tấn. Mặc dù sarin, tabun và soman được đưa vào đạn pháp nhưng quân Đức không sử dụng các chất độc thần kinh này chống lại các mục tiêu của phe đồng minh.
Đầu những năm 1950, NATO đã coi sarin là một vũ khí hóa học chuẩn. Cả Mỹ và Liên Xô đều có những vũ khí có chứa sarin trong thời Chiến tranh Lạnh mặc dù không có bằng chứng cụ thể cho thấy những vũ khí này đã được sử dụng.
Hành khách đi tàu điện ngầm chờ được sơ cứu sau khi phơi nhiễm khí sarin ngày 20/3/1995. |
162 thành viên Liên hợp quốc năm 1993 đã ký Công ước cấm sản xuất, lưu trữ nhiều loại vũ khí hóa học, trong đó có sarin. Công ước có hiệu lực ngày 29/4/1997, kêu gọi các nước phá hủy hoàn toàn các kho vũ khí hóa học vào năm 2007.
Thế giới đã xảy ra một số vụ tấn công bằng sarin khiến người ta kinh hoàng. Tháng 3/1988, những kẻ đánh bom ở Irắc đã thả bom có hợp chất gồm khí sarin và hơi độc lò vào thành phố Halabja ở miền bắc Irắc, giết chết ít nhất 5.000 người và làm bị thương hàng chục nghìn người. Vụ này hiện bị coi là hành động diệt chủng.
Năm đó, thành phố Halabja có khoảng 70.000 cư dân, trong đó có nhiều người là dân tị nạn ở các khu vực khác vừa chạy vào thành phố có địa hình bao quanh là núi để trốn tên lửa, đạn pháo. Tránh được đạn pháo nhưng chính địa hình trũng của thành phố lại vô tình biến nơi trú ẩn thành chiếc quan tài khổng lồ khi bom khí độc được thả xuống. Do sarin nặng hơn không khí nên nó tập trung lại ở những vùng thấp.
Hewa, một sinh viên đại học, thoát chết nhờ bịt mặt bằng một mảnh vải ướt, kể lại: “Tôi bị một ít khí phả vào mắt và khó thở. Lúc đó, bạn chỉ muốn nôn và nôn ra mật xanh mật vàng”. Hewa nhớ là mình đã chạy qua hàng trăm xác chết.
Khí sarin thực sự thu hút sự chú ý của toàn thế giới vào ngày 20/3/1995, khi 5 thành viên giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật Bản đã thực hiện một vụ tấn công hóa học vào hệ thống tàu điện ngầm Tôkyô, một trong những hệ thống giao thông đông đúc nhất thế giới, ngay vào giờ cao điểm buổi sáng.
Những kẻ tấn công đã dùng sarin dạng lỏng đựng trong các túi nhựa bọc giấy báo. Mỗi kẻ mang theo 2 đến 3 gói như thế, mỗi túi chứa khoảng 450 ml sarin. Chúng cầm theo gói sarin và mang theo ô có đầu được mài nhọn vào ga tàu điện ngầm. Chúng chọc thủng vài lỗ trên túi khí, lẳng lặng thả xuống và nhanh chóng rời tàu lên ô tô tẩu thoát, bỏ lại 13 người chết, hàng trăm người quằn quại trong đau đớn.
Phóng viên ảnh Nobuo Serizawa của tạp chí TIME kể lại: “Tôi nhìn thấy hàng chục người ở sân ga bị ngã gục hoặc phải quỳ vì không thể đứng dậy. Một người đang nằm vật trên sàn giống như con cá bị lôi lên khỏi mặt nước. Những ai có thể đi được thì cố lết ra ngoài ga... Tuyệt nhiên, không có một âm thanh. Khí này đã làm họ không thể nói”. Chỉ trong vòng nửa giờ, cảnh tương tự cũng xảy ra tại 5 nhà ga tàu điện ngầm khác.
Cực độc và hủy diệt nhanh, khí sarin dường như là một sát thủ vô hình khủng khiếp. Thi thoảng, báo chí vẫn rộ lên các tin các vụ tấn công bằng sarin ở một số nước. Điều đó cho thấy, sarin vẫn là một mối nguy hiểm lớn với an ninh thế giới.
Thùy Dương