Cuối những năm 1980, một khách sạn 5 sao cao 7 tầng xuất hiện sừng sững trên mặt biển tại khu vực rạn san hô John Brewer, cách bờ biển Townsville, bang Queensland, Australia khoảng 70 km.
Công trình này có 200 phòng, với các vũ trường, quán bar, phòng tập gym, phòng tắm hơi và hai nhà hàng hải sản sang trọng. Bên ngoài khách sạn là một sân tennis cũng nổi trên biển.
Đó thực sự là một công trình để lại những ký ức đẹp với những cư dân cao tuổi ở Townsville.
Khách sạn nghỉ dưỡng Rạn San hô Bốn mùa là công trình của nhà đầu tư bất động sản Doug Tarca. Công ty này muốn đặt khách sạn tại khu vực Rạn San hô Lớn để thu hút khách du lịch.
Theo kế hoạch ban đầu, công ty sẽ cho neo đậu vĩnh viễn ba con tàu quanh rạn san hô, nhưng điều này được coi là không thực tế. Sau đó, một công ty Thụy Điển chuyên xây dựng các nhà nổi phục vụ giàn khoan dầu đã đề xuất biến ý tưởng này thành một khách sạn nghỉ dưỡng nổi.
Khách sạn do một công ty Singapore thi công. Do tọa lạc tại một địa điểm nhạy cảm về môi trường, khách sạn phải được thiết kế với nhiều tính năng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Công viên Hải dương Rạn San hô Lớn. Toàn bộ thân tàu không được sử dụng sơn độc hại. Không được tống bất cứ chất thải nào ra vùng biển xung quanh. Các loại nước thải lỏng phải được xử lý, sau đó nước sạch được thải ra cách khu rạn san hô vài kilomet. Các loại rác thải đều được đưa vào đất liền để xử lý..
Công trình được hoàn thành vào năm 1987 với chi phí 40 triệu USD. Tuy nhiên, một tranh cãi hợp đồng với nhà thi công Singapore đã dẫn đến việc trì hoãn bàn giao khách sạn đến tận tháng 1/1988. Sau đó, sự kiện mở cửa khách sạn tiếp tục bị trì hoãn thêm 2 tháng do một cơn bão ập vào vùng biển.
Tới thời điểm khai trương tháng 3/1988 thì khách sạn đã bỏ lỡ thị trường du lịch mùa Đông ở Bắc bán cầu (mà cùng lúc đó ở Australia thuộc Nam Bán cầu là mùa Hè). Sự chậm trễ này đã gây thiệt hại hàng triệu USD doanh thu.
Nhưng phần khó khăn nhất lại là hành trình dài 70km trên biển dẫn đến khách sạn nổi giữa đại dương. Thời tiết xấu hay làm gián đoạn kết nối với đất liền, và khi khách du lịch tới nơi, họ thường bị say sóng mệt lử. Sau đó, một trong những con tàu nhỏ được sử dụng để đưa đón khách và đồ hậu cần giữa khách sạn và đất liền lại bốc cháy. Mặc dù không ai bị thương nhưng vụ việc đã ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của khách sạn.
Cộng với việc tiếp thị và quản lý kém, số lượng khách đặt phòng khách sạn bắt đầu giảm nhanh. Cuối cùng, doanh thu không đủ để bù đắp cho chi phí vận hành một khách sạn nổi giữa đại dương như vậy.
Chỉ hơn một năm sau khi khai trương, Rạn San hô Bốn mùa được bán lại cho một công ty tại Việt Nam. Năm 1989, nó được kéo về Thành phố Hồ Chí Minh, cách đó 5.000 km, và neo đậu trên sông Sài Gòn với cái tên mới Khách sạn Nổi Sài Gòn.
Việt Nam khi đó đang trải qua giai đoạn bùng nổ du lịch và có nhu cầu rất lớn về những nơi lưu trú sang trọng. Khách sạn nhanh chóng trở nên nổi tiếng với cái tên thân mật “Nhà Nổi Sài Gòn”. Nhưng rồi một lần nữa những rắc rối tài chính lại buộc các chủ sở hữu phải đóng cửa công trình.
<
Lần này thì khách sạn được bán cho Triều Tiên và được đưa tới Khu du lịch Núi Kim Cương, nằm ở biên giới với Hàn Quốc. Nơi đây đã được mở cửa vào năm 1998 chủ yếu phục vụ du khách từ miền Nam. Nó được đổi tên thành Khách sạn Biển Kim Cương, hay Khách sạn Haegumgang. Tuy nhiên 10 năm sau, khi một người lính Triều Tiên vô tình bắn chết một phụ nữ Hàn Quốc, các tour du lịch tới khu nghỉ dưỡng đã bị đình chỉ.
Khách sạn Haegumgang vẫn “neo đậu” tại vị trí cũ nhưng bị đóng cửa suốt hơn 10 năm nay. Gần đây, thông tin về khách sạn xuất hiện trở lại sau khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến thăm nơi này và đưa ra một số nhận xét về công trình. Ông Kim Jong-un chỉ rõ ông không hài lòng với những gì nhìn thấy tại khu nghỉ dưỡng, thậm chí còn ví nó như “những túp lều tạm bợ trong khu vực thảm họa”.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên ra lệnh loại bỏ tất cả các cơ sở "lạc hậu", "tồi tàn" khỏi khu du lịch Núi Kim Cương, đồng thời gợi ý rằng có thể xây dựng lại khách sạn 30 tuổi này, hoặc đập bỏ hay bán lại cho nhà đầu tư khác.
Trở lại Townsville, mọi người vẫn còn hoài niệm về khách sạn. Belinda O'Connor, người làm việc trên tàu cao tốc chở du khách ra khách sạn nổi, vẫn còn nhớ lần đầu tiên cô nhìn thấy công trình này. “Đó là một hình ảnh thật ấn tượng. Tôi nhớ những ngày tuyệt vời sống trong khách sạn, những chuyến đi câu cá, bữa tiệc của thủy thủ, những chuyến lặn xuống dưới khách sạn và đón pizza được đưa từ đất liền bằng trực thăng”, O'Connor nói với đài ABC (Australia).
Bảo tàng Hàng hải Townsville hiện còn duy trì một phòng triển lãm nổi tiếng về khách sạn nổi với một mô hình lớn kèm theo nhiều thông tin và kỷ vật.