Con tàu vướng vào một cuộc tranh chấp quốc tế vì chứa chất độc hại, có nguy cơ trở thành một trong những khối rác lớn nhất trên đại dương.
Lênh đênh suốt 5 tháng
Theo tạp chí TIME, São Paulo, tàu sân bay duy nhất trong hạm đội của hải quân Brazil, đã ở trong tình trạng trên suốt 5 tháng qua. Brazil đã bán con tàu 60 tuổi này để làm phế liệu cho một xưởng đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2021. Vào tháng 8/2022, tàu khởi hành đến Thổ Nhĩ Kỳ từ một căn cứ hải quân ở Rio de Janeiro. Nhưng trong khi đang di chuyển, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy bỏ giấy phép cho tàu vào nước này, nói rằng Brazil đã không chứng minh được São Paulo không có amiăng - một loại chất độc hại được sử dụng để đóng nhiều tàu hồi thế kỷ 20. Thế là con tàu phải quay đầu.
Mặc dù vậy, Brazil không muốn nhận lại con tàu này. Vào tháng 9/2022, một cảng trên bờ biển bang Pernambuco đã chặn con tàu cập cảng. Cảng này lập luận rằng có quá nhiều nguy cơ con tàu sẽ bị bỏ lại, khiến cảng có thể sẽ phải di dời tàu và xử lý amiăng. Điều đó khiến São Paulo đi vòng quanh bờ biển Brazil cho đến ngày 20/1.
Khi đó, hải quân Brazil thông báo rằng họ đã đẩy con tàu ra vùng biển quốc tế, nơi con tàu vẫn lênh đênh. Hải quân Brazil cho biết họ phải làm như vậy vì con tàu cũ kỹ, vốn đã bị hư hỏng thân tàu trong hành trình vừa rồi, có thể mắc cạn hoặc chìm trên bờ biển Brazil, đe dọa các tàu thuyền khác và động vật hoang dã ven biển.
Giải pháp của hải quân Brazil là bỏ São Paulo trên biển. Vào ngày 28/1, các nguồn tin quân sự cho biết hải quân đã lên kế hoạch sử dụng chất nổ để đánh chìm con tàu ngày 1/2, coi đó là cách duy nhất để chấm dứt câu chuyện gây tranh cãi.
Nhưng vào tối 31/1, trước những lo ngại từ cơ quan môi trường liên bang, công tố viên Brazil đã đệ đơn kiện dân sự với hải quân, yêu cầu tòa án liên bang ra lệnh dừng ngay lập tức mọi kế hoạch cho nổ con tàu.
Tòa án sẽ quyết định liệu São Paulo có trở thành một trường hợp bỏ tàu cực đoan hay không. Đây là một vấn đề gây đau đầu cho các nhà bảo tồn biển và cộng đồng ven biển trên khắp thế giới. Các cơ quan giám sát đại dương nói rằng đánh chìm một chiếc tàu lớn và cũ kỹ như São Paulo sẽ là một thảm họa môi trường. Theo Mạng lưới Hành động Basel (BAN, ngoài amiăng, con tàu còn chứa hàng trăm tấn chất độc hại khác trong hệ thống dây điện, sơn và nhiên liệu dự trữ.
Ông Jim Puckett, Giám đốc điều hành BAN, cho rằng bỏ tàu trên biển sẽ là hành vi cẩu thả nghiêm trọng và vi phạm ba công ước quốc tế về môi trường. Trong khi đó, hải quân Brazil nói sẽ không cho phép São Paulo quay trở lại Brazil.
Nguy cơ gây thảm họa môi trường
Không có gì lạ khi những chiếc tàu kiểu này bị từ bỏ vì rất tốn kém trong duy trì và xử lý đúng cách. Hàng chục nghìn tàu như vậy, thường nhỏ hơn nhiều so với tàu sân bay, đã bị bỏ lại trong bến cảng, trên bãi biển hoặc trên biển mỗi năm.
Ở Nigeria, hàng nghìn tàu chở hàng và tàu đánh cá thương mại bị đắm nằm rải rác trên bờ biển, phá hủy hệ sinh thái bãi biển và khiến các tuyến đường thủy trở nên nguy hiểm đối với cộng đồng địa phương.
Ở Venice, khoảng 2.000 chiếc thuyền giải trí nhỏ bị bỏ hoang, đang làm tắc nghẽn một vùng đất ngập nước.
Tại Mỹ, ước tính rằng từ năm 2013 đến năm 2016, đã có 5.600 chiếc thuyền bị bỏ rơi ở vùng biển Mỹ.
Vấn đề là những gì còn lại trên những con tàu đó không ở lại trên tàu. Các hóa chất độc hại rò rỉ từ tàu có thể ảnh hưởng rất lớn đến động vật hoang dã. Những tàu thuyền bị bỏ rơi dù to hay nhỏ đều có thể gây ra sự cố tràn dầu và làm rò rỉ hóa chất sơn và hạt vi nhựa vào nước, trong khi các mảnh vỡ như lưới có thể bị lỏng ra, khiến cá bị mắc kẹt.
Các tàu cũ hơn cũng có thể chứa PCB, một nhóm hóa chất gây ung thư cao thường được sử dụng trong hệ thống dây điện trước những năm 1970 và đã bị cấm trên toàn cầu theo công ước Stockholm năm 2001. Khi xâm nhập vào đại dương, các nhà khoa học cho biết PCB ảnh hưởng đến mọi thứ từ động vật giáp xác nhỏ đến cá kình.
BAN ước tính rằng tàu São Paulo chứa khoảng 300 tấn PCB. BAN nói rằng bỏ con tàu trên biển sẽ vi phạm cả công ước Stockholm và Nghị định thư London năm 1996.
Tuy nhiên, việc một con tàu lớn như São Paulo cố tình bị bỏ rơi là điều hết sức bất thường. Đó là bởi vì những chiếc tàu lớn như tàu du lịch, tàu container và tàu sân bay chứa một lượng lớn kim loại có giá trị chất lượng cao, đặc biệt là thép, có thể được trục vớt và bán lại.
Ông Puckett cho biết ý tưởng đánh chìm tàu São Paulo không có ý nghĩa tài chính đối với Brazil. Ông nói: “Tàu có lượng thép trị giá hàng triệu đô la, vượt xa chi phí quản lý những vật liệu nguy hiểm đó. Tôi chưa bao giờ thấy một con tàu có giá trị như vậy bị đánh chìm một cách có chủ ý”.
BAN đang kêu gọi Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva can thiệp. Ông Puckett nói rằng hải quân phải kéo tàu São Paulo vào căn cứ hải quân, sửa chữa thân tàu và sau đó cung cấp hợp đồng tái chế cho các nhà máy đóng tàu mới ở châu Âu, nơi có thể loại bỏ amiăng một cách an toàn trước khi tháo dỡ con tàu.