Trước câu hỏi của RIA Novosti và Rossiya 24 ngày 2/2 rằng “theo ý kiến của ông, quốc gia nào có thể đi theo con đường giống như Ukraine và trở thành một nước chống Nga”, ông Lavrov đã đáp lại bằng cách tuyên bố phương Tây “hiện đang xem xét Moldova cho vai trò này”.
Ông Lavrov cho biết thêm sở dĩ phương Tây chọn Moldova chủ yếu là do phương Tây đã thành công trong việc dựng lên một tổng thống ở Chisinau (thủ đô Moldova), người rất muốn đưa nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này vào hàng ngũ do Mỹ lãnh đạo, thông qua một số “phương pháp đặc biệt, khác xa (những phương pháp) tự do và dân chủ”.
Theo ông Lavrov, Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu, đang thúc đẩy việc gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Hiện nay, phương Tây và giới lãnh đạo Moldova đã đình chỉ một cách hiệu quả quá trình bình thường hóa liên quan đến khu vực ly khai Transnistria theo mô hình 5+2. Điều này liên quan đến Mỹ và Nga, cùng với Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu (OSCE), cũng như Moldova và Transnistria.
Chính phủ mới của Moldovan không còn quan tâm đến quá trình này nữa và đang xem xét chiếm lại Transnistria bằng vũ lực và đẩy lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ra khỏi Transnistria.
Theo Đài RT, cuối tháng trước, Tổng thống Moldova, bà Maia Sandu, nói với tờ Politico rằng “đã có một cuộc thảo luận nghiêm túc” ở Chisinau “về khả năng tự vệ của chúng ta (Moldova), liệu chúng ta có thể tự mình làm được điều đó hoặc chúng ta có nên tham gia vào một liên minh lớn hơn hay không”.
Mặc dù không trực tiếp đề cập tới việc gia nhập NATO, nhưng kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2020, bà Maia Sandu đã liên tục theo đuổi các chính sách thân phương Tây.
Năm 2022, Moldova đã được cấp tư cách ứng cử viên Liên minh châu Âu (EU). Trong những năm gần đây, Moldova cũng tích cực hợp tác với NATO, cử quân tham gia lực lượng của khối quân sự này tại Kosovo.
Vào tháng 9/2021, Tổng thống Moldova Maia Sandu đã tổ chức cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại New York (Mỹ) và tháng 12/2022, Ngoại trưởng Moldova đã tham dự cuộc họp của NATO ở Romania.
Tuy nhiên, vấn đề Transnistria có thể sẽ ngăn Moldova trở thành quốc gia thành viên của NATO, vì liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này yêu cầu tất cả các bên có nguyện vọng tham gia phải giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và sắc tộc trước.