Sự khởi đầu của Chiến tranh Tiền tệ Thứ ba

Mạng tin "La Chronique Agora" mới đây đăng bài viết "Sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Tiền tệ Thứ ba" của nhà phân tích Addison Wiggin phụ trách chuyên mục kinh tế của báo "The Daily Reckoning'' (Mỹ). Dưới đây là nội dung bài viết:

Trò chơi chiến tranh tiền tệ đã trở nên khốc liệt hơn khi xảy ra ở trung tâm của cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán toàn cầu giai đoạn cuối năm 2008 và đầu năm 2009.

Phía Nga khi đó tuyên bố chỉ chấp nhận vàng chứ không chấp nhận đồng USD của Mỹ trong các giao dịch dầu và khí đốt của họ. Phía Trung Quốc cũng đã sử dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm loại bỏ đồng USD của Mỹ. Đối với đồng USD, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: "Đồng tiền dự trữ này trở thành một hiểm họa đối với nền kinh tế thế giới''. Cuộc chiến tranh tiền tệ theo nhận định của ông Putin thực sự đã bùng phát từ đầu năm 2010 và được gọi là Chiến tranh Tiền tệ Thứ ba.

Trò chơi chiến tranh tiền tệ đã trở nên khốc liệt hơn.


Các cuộc chiến tranh tiền tệ đều bùng phát ở tất cả các trung tâm tài chính lớn của thế giới, cùng thời gian, diễn ra liên tục 24/24 giờ, trong đó đội quân tham chiến là các ngân hàng, các doanh nghiệp, các chính khách và các hệ thống tự động. Khi đó, số phận của các nền kinh tế và người dân các nước chịu tác động của cuộc chiến tranh này bị đặt trong tình trạng lâm nguy. 

Cuộc Chiến tranh Tiền tệ Thứ nhất và Thứ hai diễn ra vào thế kỷ 20. Năm 1921, cuộc Chiến tranh Tiền tệ Thứ nhất bùng phát từ tàn dư của cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, khi đó Đức đã bắt đầu phá giá đồng mark một cách kỳ lạ. Người ta không bao giờ quên hình ảnh ghi lại cảnh những chiếc xe cút kít nhỏ chở đầy tiền giấy mark mà giá trị không đủ để mua một chiếc bánh mì. Cũng tương tự như vậy, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã hăng hái phá giá đồng nội tệ của họ nhằm mục tiêu tăng nhanh sức cạnh tranh của hàng hóa nội địa và cải thiện cán cân thanh toán vãng lai: Năm 1925, Pháp đã phá giá đồng franc; năm 1931, Anh đã từ bỏ chế độ tiền tệ bản vị vàng; năm 1933, Mỹ đã phá giá đồng USD so với vàng, từ 20,67 USD/ounce lên 35 USD/ounce; Pháp và Anh sau đó tiếp tục phá giá đồng nội tệ thêm một lần nữa. Sau nhiều lần phá giá đồng tiền và mắc sai lầm, các nền kinh tế lớn của thế giới đã bị lao dốc, thương mại bị đảo lộn, sản xuất hàng hóa bị đình trệ và buôn bán bị thua lỗ nặng nề.

Đồng ruble của Nga vừa trải qua đợt mất giá mạnh.


Năm 1936, cuộc Chiến tranh Tiền tệ Thứ nhất chấm dứt kèm theo một bản hiệp ước ba bên gồm Mỹ - Anh - Pháp. Nước Đức khi đó đã lâm vào tình trạng phát triển chậm chạp, phiến diện và chỉ sau đó 3 năm, đại chiến thế giới đã bùng nổ. Năm 1967, cuộc Chiến tranh Tiền tệ Thứ hai đã diễn ra khi Anh phá giá đồng bảng so với USD. Đồng USD đã nhanh chóng phải chịu sức ép. Tình huống trở nên phức tạp khi đồng USD vẫn có sự liên quan tới vàng trong hoạt động thương mại quốc tế. Rất nhiều quốc gia, trong đó có Pháp, sau đó đã đổi vô số USD để lấy vàng của Mỹ. Do vậy, dự trữ vàng của nước Mỹ đã giảm từ con số 20.000 tấn trong năm 1950 xuống còn 9.000 tấn vào năm 1971, khi đó Tổng thống Mỹ Nixon đã phải ra lệnh hạn chế mua bán vàng. 


Kể từ đó, cả thế giới đã phải dựa vào một chế độ bản vị của một đồng tiền bấp bênh. USD đã ở trong tình trạng lao đao vào những năm 1970 và sau đó phục hồi và mạnh lên vào những năm 1980. Vào thời kỳ này, những đồng tiền mạnh khác như yên (Nhật Bản) và mark (Tây Đức) luôn ở trong tình trạng không ổn định. Hiệp định "Plaza 1985" tiếp tục làm cho đồng USD bị giảm giá và sau đó hiệp định "Louvre 1987" đã giúp đồng USD trở nên ổn định hơn.

Trong lĩnh vực tiền tệ quốc tế, từng có một sự "hòa bình" tương đối, tuy nhiên nền "hòa bình" này đã được tạo dựng từ một điều duy nhất, đó là sự tin tưởng rằng đồng USD của Mỹ là một đồng tiền dự trữ có giá trị dựa trên một nền kinh tế Mỹ phát triển và dựa trên một chính sách tiền tệ ổn định theo sự điều hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Đầu năm 2010, sự tin tưởng vừa nêu trên đã bị tan vỡ... và nó chưa được khôi phục. 


Nguyễn Quang Hồng


Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Nga: Phần chìm của 'tảng băng nổi' Ukraine
Chiến tranh tiền tệ Mỹ-Nga: Phần chìm của 'tảng băng nổi' Ukraine

Đà lao dốc mạnh của đồng ruble tại Nga những ngày gần đây là hệ quả của chiến tranh kinh tế - tiền tệ mà các cường quốc phương Tây phát động. Những yếu điểm của Nga là gì và đâu là biện pháp đối phó hữu hiệu của Moskva?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN