Mỗi khi nhắc đến những đứa con, người chồng đã hy sinh cho Tổ quốc, trái tim của những bà mẹ Việt Nam anh hùng lại nhói lên trong lồng ngực và nước mắt tuôn trào trên đôi mắt đã mờ đục theo thời gian. Nhưng các mẹ vẫn kiên cường bảo rằng: khi đất nước cần, mẹ sẵn sàng hy sinh.
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dung. |
Gạt nước mắt tiễn chồng, conNgôi nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dung nằm tận cuối cùng của con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Khoái (phường 2, quận 4, TP Hồ Chí Minh). Khi chúng tôi đến, mẹ đang cẩn thận lau chùi tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhất của chồng và con. Mẹ bảo, mẹ có 8 người con, thì một người hy sinh, chồng của mẹ là chiến sĩ giao liên của Ban giao bưu miền, cũng hy sinh trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. “Năm 19, đứa con thứ 3 của mẹ là Lê Văn Phát, mới 16 tuổi mà nó nghịch ngợm dữ lắm nên ba nó quyết định cho đi bộ đội. Ai dè đâu lần tiễn đưa năm đó, nó đi vào mặt trận, rồi đi luôn không thấy về. Nghe tin nó đã hy sinh nhưng đến ngày hôm nay cũng không tìm thấy hài cốt”, mẹ nhớ lại.
Mẹ kể thêm, những năm tháng kháng chiến, mẹ và 8 người con của mẹ sống ở Campuchia, chồng mẹ tham gia hoạt động cách mạng nên đi biền biệt. Đến năm 1970, chồng của mẹ - liệt sĩ Lê Văn Hương, cũng hi sinh do trúng bom B52 của địch trên đường đi công tác. “Mẹ không nhớ ngày mất của chồng mẹ, con trai của mẹ là ngày nào, nên mẹ lấy ngày Tổ quốc ghi công làm ngày giỗ. Sau đó, mẹ vừa nuôi con bằng nghề buôn gánh bán bưng, tham gia làm giao liên để thay chồng tiếp tục phục vụ kháng chiến cho đến ngày giải phóng”, mẹ Dung rưng rưng nước mắt.
Còn mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Diệp ở ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi). Hàng chục năm qua, mỗi sáng mẹ lại rót nước, xếp những trái cây của vườn nhà lên bàn thờ người con trai duy nhất Võ Văn Chán. Đôi cánh tay khẳng khiu, làn da hằn dấu vết thời gian, mẹ đưa chúng tôi vào gian phòng vừa để tủ thờ gia tiên, bàn thờ của liệt sĩ Võ Văn Chán cùng với tấm Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và tấm bằng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng mà Đảng, Nhà nước đã trao tặng mẹ. “47 năm nó đi xa, mà mẹ chẳng giữ lại được tấm ảnh nào của nó. Thời chiến tranh, nó đi theo tiếng gọi của cách mạng. Năm 23 tuổi, bao nhiêu hình ảnh, đồ đạc cá nhân, nó giấu trong thùng đạn đại liên đem chôn nơi nào đó, sợ không dám để ở nhà. Rồi ngày nó hy sinh, mẹ cũng không biết nó được chôn ở đâu. Hình ảnh của thằng Chán chỉ còn mập mờ trong trí nhớ già nua của mẹ”, giọng mẹ run run.
Nhắc đến những ngày tháng chiến tranh, mẹ kể những lần địch bắt, tra tấn, đánh đập vì có con đi theo Việt cộng, nhưng mẹ kiên cường không sợ hãi. “Bọn nó bắt mẹ khai thằng Chán, đánh mẹ quá trời. Mẹ nói, mấy ông đánh dân đen, bắn giết hết gia đình tôi, giờ tôi chẳng còn ai trên cuộc đời. Chồng tôi và con bị mấy ống bắn, bỏ bom chết hết rồi. Mấy ông không tin thì tôi dắt ra đồng cho mấy ông lật mộ lên mà kiểm tra”, mẹ Diệp hồi tưởng lại.
Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Diệp. |
Các mẹ không thấy cô đơnNgười phụ nữ Việt Nam nghìn đời tảo tần, chịu đựng và hy sinh tất cả vì chồng, con nhưng khi đất nước cần, các mẹ vẫn sẵn sàng tiễn đưa những người thân yêu nhất ra tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc, để rồi lại “khóc thầm lặng lẽ” khi các anh mãi nằm lại với núi sông. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, người phụ nữ - những bà mẹ Việt Nam chính là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, sự cống hiến quên mình cho Tổ quốc.
Những người mẹ Việt Nam anh hùng mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm, chăm sóc và thực hiện tốt các chính sách đối với người có công. Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mẹ trở về sinh sống tại Sài Gòn và những năm sau đó cuộc sống của mẹ được Đảng, Nhà nước chăm lo rất chu đáo. Trước đây mẹ nhận được 2,8 triệu đồng/tháng với chế độ mẹ liệt sĩ. Từ tháng 4/2014, mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng nên mỗi tháng mẹ được lãnh 3,4 triệu đồng/tháng”.
Đảng và Nhà nước không bao giờ quên công lao to lớn của các mẹ, bởi các mẹ đã làm nên niềm tự hào quê hương, đất nước. Trân trọng, biết ơn và ghi nhận những cống hiến vô giá của những người mẹ, người vợ liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bên cạnh đó, có thể nói rằng, tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong chiến tranh, nhưng họ luôn hiểu rằng, cái giá của cuộc sống hôm nay chính là sự hy sinh của thế hệ đi trước, trong đó có sự đóng góp thầm lặng nhưng vẻ vang của những bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Diệp kể, mẹ không chỉ được chăm lo từ chính sách của Đảng và Nhà nước mà những năm qua mẹ đón nhận rất nhiều tình cảm của các con, cháu là sinh viên, học sinh ở nhiều nơi đến thăm nom, chăm sóc mẹ. Ngoài ra, mẹ còn nhận được sự phụng dưỡng suốt đời của các tổ chức, đoàn thể. “Cuộc đời mẹ đã từng đi qua chiến tranh, đau thương mất mát mẹ đã từng nếm trải. Chính vì vậy, ngày 30/4/1975, ngày đất nước hoàn toàn thống nhất là ngày mà mẹ hạnh phúc nhất. Còn những ngày này, dù chỉ còn một mình mẹ, chồng và con mẹ đã đi rất xa nhưng mẹ không bao giờ cảm thấy cô đơn”, mẹ Diệp nói.
Bài và ảnh: Anh Đức