Tết Mậu Thân 19: Nỗi bàng hoàng của nước Mỹ

Tết - một danh từ chung chỉ lễ đón năm mới theo lịch trăng của những dân tộc nằm trong “vành đai chữ Hán” (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam) - từ năm 19, đã trở thành một danh từ riêng trong ký ức của nước Mỹ. Tết mang những ý nghĩa khác nhau với mỗi người Mỹ. Đối với những người lãnh đạo cấp cao nhất của nước Mỹ tại và sau thời điểm Tết Mậu Thân 19, Tết là nỗi bàng hoàng. Tết là sự đảo lộn về chiến lược chiến tranh và rất nhiều sự rối loạn trên các mặt đời sống chính trị - xã hội Mỹ diễn ra sau đó. Tất cả bắt đầu cho một sự trượt dốc, đẩy nhanh Mỹ tới thất bại trong cuộc chiến Việt Nam.


1. Trong dịp Tết 19, không một người Mỹ nào thấy trước được tầm cỡ và quy mô của Tết. Đêm 30/1/19 (lịch miền Nam), trong tiếng pháo giao thừa đón năm mới Mậu Thân, súng các cỡ đã nổ đồng loạt tại hơn 100 trung tâm chính trị - kinh tế của chính quyền Sài Gòn. Hầu như tất cả các trụ sở cơ quan đầu não chính trị, các căn cứ quân sự, các trung tâm chỉ huy của Mỹ đều bị tấn công bất ngờ. Kể cả Sài Gòn, một mục tiêu được coi như không thể bị Việt cộng đánh vào, cũng bị tấn công dữ dội.


Dinh Tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Bộ tư lệnh Hải quân đã bị các đơn vị đặc công vây hãm; sân bay Tân Sơn Nhất; Bộ chỉ huy quân sự Mỹ (MACV) tại Sài Gòn - “Lầu năm góc ở Đông Nam Á” - bị pháo kích. Đài phát thanh Sài Gòn và Đại sứ quán Mỹ bị chiếm giữ nhiều giờ và chỉ được giải cứu sau rất nhiều cố gắng của một lực lượng hùng mạnh. Ngày 1/2/19, hình ảnh tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn bị tấn công được đăng trên trang nhất tờ New York Times đã làm bàng hoàng cả nước Mỹ. Lần đầu tiên sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, người Mỹ lại được nhìn hình ảnh chiến tranh gần và nóng bỏng đến như vậy.


Ngày 27/2/19, khi tướng Eagle G.Wheeler - Tham mưu trưởng liên quân - trở về sau chuyến thị sát ở Nam Việt Nam với bản đề nghị tăng thêm 206.756 quân Mỹ thì dưới con mắt nhiều người, đây là bằng chứng rõ nhất về sự phá sản của chiến lược quân sự của Hoa Kỳ ở Việt Nam.


Cũng trong buổi chiều ngày 27/2/19, phóng viên nổi tiếng của đài truyền hình CBS Walter Cronkite - nhân vật được đánh giá là chủ chốt của truyền hình Mỹ thời đó - nói với khán giả: “Chúng ta đã bị thất vọng nhiều lần bởi sự lạc quan của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ, ở cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ, để còn có thể tin tưởng vào những lời tuyên bố lạc quan của họ… Bởi vì lúc này hơn lúc nào hết, càng ngày người ta càng thấy rõ rằng kinh nghiệm đẫm máu ở Việt Nam sẽ chỉ đưa đến một tình trạng bế tắc. Nói rằng chúng ta bị mắc vào tình trạng bế tắc là một kết luận thực tiễn, mặc dù nó không làm cho chúng ta vui lòng”1.


Tâm trạng thất vọng này tiên đoán một sự thất bại “Bây giờ càng rõ ràng hơn bao giờ hết là cuộc chiến đẫm máu ở Việt Nam sẽ đi vào ngõ cụt. Trong mùa hè này sự bế tắc chắc chắn sẽ chấm dứt qua các cuộc đàm phán cân bằng hoặc kết thúc bằng sự leo thang chiến tranh khủng khiếp, và với bất cứ phương tiện nào mà chúng ta leo thang, kẻ thù đều có thể đánh trả tương xứng”2.


Những điều W.Cronkite nói (khi ảnh hưởng của ông ta đang ở đỉnh cao) đã làm chấn động không chỉ Nhà trắng mà cả công luận Mỹ. Ngay cả những người đã từng ủng hộ mạnh mẽ chính sách chiến tranh của Tổng thống L.B. Johnson cũng buộc phải nói với ông ta rằng “Những gì Westmoreland đang cố gắng làm ở Việt Nam đều không thể thực hiện được nếu không sử dụng vào đó các nguồn kinh tế và quân sự hoàn toàn không hạn chế” nhưng cho đến lúc đó “không có mối liên quan giữa một bên là các mục tiêu quân sự và một bên kia là thời gian và tài nguyên mà Mỹ có để thực hiện các mục tiêu đó. Cuộc tiến công Tết cho thấy số 50 vạn quân Mỹ là vô cùng thiếu, không thể nào đánh đuổi và khuất phục nổi Việt cộng”3.


“Những nhà thông thái” (wise mens)- nhóm cố vấn cấp cao của tổng thống - ngày 26/3/19 cũng đưa ra lời cảnh báo “Mỹ không còn có thể làm được cái công việc mà Mỹ đã khởi sự ba năm trước đây” và “Mỹ buộc phải bắt đầu có biện pháp rút lui”4. Bộ trưởng Quốc phòng R.Mc. Namara từ chức ngày 29/2/19. Người thay thế ông là Clark Clifford cũng là người đầu tiên trong nhóm cố vấn cho Johnson tin rằng cuộc chiến ở Việt Nam “như một cái thùng không đáy” và dù Mỹ có gửi bao nhiêu quân sang đó đối phương vẫn có thể đáp trả.


Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân nổ ra giữa lúc những nỗ lực chiến tranh của Mỹ đạt tới đỉnh cao. Tại thời điểm cuối năm 1967, tất cả những con số so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường miền Nam đều nghiêng hẳn về phía Mỹ. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV) có trong tay hơn 1 triệu quân chủ lực (hơn 50 vạn quân Mỹ và các nước đồng minh, 70 vạn quân chủ lực của chính quyền Sài Gòn).


Ngoài ra Mỹ còn hơn 30 vạn quân dự trữ ngoài khơi Thái Bình Dương. Số binh lực và hỏa lực Mỹ sử dụng ở chiến trường Việt Nam chiếm 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của Mỹ; 30% lực lượng không quân chiến thuật; 1/3 lực lượng hải quân.


Trên chiến trường, quân Mỹ chiếm ưu thế áp đảo gần như tuyệt đối về hỏa lực, về sức cơ động cả trên bộ, trên không và trên mặt nước... Trong khi đối phương của Mỹ trên chiến trường miền Nam chỉ có khoảng 27 vạn quân, trang bị hỏa lực và kỹ thuật yếu hơn Mỹ rất nhiều lần.

Sự thay đổi quan điểm của hầu hết những người am hiểu cuộc chiến tranh sau Tết đã làm Johnson “dao động một cách sâu sắc”. Đây là đòn cân não cuối cùng khiến ông ta đi đến quyết định quan trọng ngày 31/3/19. Johnson tuyên bố trên truyền hình: Chấm dứt thời kỳ Mỹ cam kết tăng cường đưa quân vào cuộc chiến trên bộ ở Việt Nam; ngừng ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra; Sẵn sàng đàm phán với Hà Nội. Cuối cùng ông Johnson tuyên bố “sẽ không ra ứng cử và không chấp nhận đề cử của đảng tôi làm ứng cử viên thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa”.


Lời tuyên bố này đã làm ngạc nhiên nhiều người Mỹ. Đối với họ, như vậy là “phe diều hâu đã chết” (!). Đây cũng là dấu chấm hết cho chiến lược “chiến tranh cục bộ” với chiến thuật “tìm và diệt” (search and destroy) của quân Mỹ trên chiến trường Việt Nam. Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược Phi Mỹ hóa chiến tranh rồi sau đó là Việt Nam hóa chiến tranh, thay chiến thuật “tìm và diệt” bằng chiến thuật “quét và giữ” (clear and hold). Quốc hội Mỹ không chấp nhận tăng quân như đề nghị của tướng Westmoreland mà yêu cầu cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội Sài Gòn để có thể thay thế quân Mỹ trên chiến trường, từng bước rút quân Mỹ khỏi chiến trường Việt Nam.


2. Đã 45 năm, cuộc tranh cãi về Tết vẫn chưa kết thúc. Nhận định về Tết ở Mỹ và các nước phương Tây tương đối thống nhất khi cho rằng quân đội Mỹ không thua trên chiến trường. Các sử gia danh tiếng của Mỹ và đồng minh đã căn cứ vào quan điểm quân sự truyền thống khi đánh giá thắng - bại, hơn - thua trong một sự kiện quân sự dựa trên sự chuyển dịch của nét vẽ chiến tuyến trên bản đồ. Cũng theo cách đánh giá như vậy, con số tổn thất của đối phương bằng hoặc lớn hơn quân số được bổ sung có nghĩa là Mỹ đang thắng.


Theo cách nhìn và những thước đo như vậy, dường như Mỹ đã thắng thế sau Tết. Hơn 1 triệu quân Mỹ và quân đội Sài Gòn có sự hỗ trợ tối đa của các loại hỏa lực, sau thời gian choáng váng vì đòn tiến công Tết đã phản kích quyết liệt, giành lại quyền kiểm soát các đô thị trên toàn miền Nam. Nhiều tác giả đã nhận xét rằng Tết là một thất bại của Việt cộng trên chiến trường. Và ông Johnson cho rằng: “Dù so với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì trận tiến công Tết cũng là một thất bại quân sự nặng nề với Bắc Việt Nam và Việt cộng”5.


Quan điểm này đã gây tranh cãi ngay cả ở Mỹ. Sau Tết, nhiều nhà hoạt động chính trị đã lên án gay gắt việc MACV (Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam) dùng “phương pháp đếm xác” với những con số thống kê tổn thất của đối phương đã được thổi phồng nhằm chứng minh cho những tiến bộ trong hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam để yêu cầu tổng thống tiếp tục chính sách chiến tranh.


Lằn ranh giới tuyến của các nhà quân sự Mỹ cũng trở nên mơ hồ khi đối tượng “tìm - diệt” của quân Mỹ là các đơn vị chủ lực của đối phương lúc ẩn lúc hiện, gần như không thể nắm bắt được; khi gần như tất cả các mục tiêu nằm trong khu vực được coi là an toàn đều bị tấn công cả trong và sau Tết. Thượng nghị sĩ Kennedy đặt câu hỏi: “Tại sao hơn nửa triệu quân Mỹ, có sự cộng tác của 70 vạn lính Nam Việt Nam, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị những vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tấn công?”6.


Hậu quả của đòn tiến công Tết là không thể bù đắp được với Mỹ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Clifford, Tết làm “phương hại chính quyền Johnson ở những nơi nó cần đến sự ủng hộ, nhất là Quốc hội và công chúng Mỹ”. Sau Tết, số người Mỹ tin rằng có thể nhìn thấy “ánh sáng cuối đường hầm” ngày càng giảm sút. Người Mỹ đã bị chia rẽ và bắt đầu một cuộc chiến khác ngay trong lòng nước Mỹ - cuộc chiến phản đối chiến tranh và đòi con em họ trở về Mỹ.


Những người cộng sản Việt Nam, bằng cuộc tấn công Mậu Thân 19 bất ngờ của mình, dù chịu nhiều tổn thất song đã đạt được mục đích lớn nhất của mình: Bẻ gãy ý chí duy trì chiến tranh của giới lãnh đạo Mỹ để đẩy hoàn toàn quân Mỹ ra khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam.


Nhà phân tích Don Oberdorfer - phóng viên ngoại giao của tờ Washington Post - nhận xét: “Đây là (Tết - N.V.A) một câu chuyện về một bước ngoặt, khi người dân và các dân tộc đang tìm kiếm những cách nhìn nhận và những hướng đi mới. Miêu tả một hành động quân sự mà không tính đến những hậu quả chính trị của nó, hay miêu tả một hành động chính trị mà không nói đến những yếu tố đang chuyển biến trên chiến trường, tức là mất đi một nửa”7.

*
* *


Giới lãnh đạo Mỹ thừa nhận rằng: Tết Mậu Thân 19 đã đặt họ “trước một bước rẽ trên đường đi” và “các giải pháp để lựa chọn đã phơi bày trong một thực tế tàn nhẫn”8. Các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ cũng (buộc) phải nhìn thấy rằng: Tết như một tảng băng mà ở đó các hoạt động quân sự của đối phương chỉ là phần nổi. Phần chìm của tảng băng đó chính là ý chí quyết tâm chống xâm lược của nhân dân Việt Nam đã được Hồ Chí Minh đúc kết trong chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Quyết tâm đó biến thành hành động kiên cường chiến đấu hy sinh của cả dân tộc, đến tận từng người chiến sĩ mà cả các nhà cầm quân trên chiến trường và các nhà hoạch định chiến lược Mỹ đã không thể tính đếm được.


Tết Mậu Thân 19 là một sự kiện có tính bước ngoặt, một bước ngoặt lớn không chỉ trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, mà trong cả lịch sử chiến tranh Việt Nam của Mỹ và cả lịch sử thế giới hiện đại.



Ngô Vương Anh


1 Larry Berman - Không hòa bình, chẳng danh dự Nixon, Kissinger, và sự phản bội ở Việt Nam (Nguyễn Mạnh Hùng dịch), Viet Tide xuất bản - 2003, tr 33.


2 Hery Kissinger - Sự kết thúc chiến tranh Việt Nam (Tài liệu tham khảo đặc biệt) - H, 2007, Thông tấn xã Việt Nam dịch và phát hành, Tập 1, tr 63.


3 Lời của Dean Acheson dẫn theo Don Oberdorfer - Tết - NXB An Giang trích dịch, 1988, tr 163.


4 Dẫn theo Neil Sheehan - Lời nói dối hào nhoáng - NXB TP.HCM, 1990, tr 429.


5 L.B. Johnson - Lợi thế (Hồi ký) -Việt Nam TTX dịch và phát hành, 1972, tr 293.


6 Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975, H, Nxb CTQG, Tập V - Tổng tiến công và nổi dậy năm 19, tr 150.


7 Xem thêm Hồ Khang - “Tết Mậu Thân” khát vọng một nền hòa bình - Trường Đại học KHXH&NV - Việt Nam trong tiến trình thống nhất đất nước và hội nhập – H, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 146.


8 Tài liệu mật Bộ Quốc phòng Mỹ - Tlđd - Tập 2, tr 27.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN