Thắng lợi từ sách lược đúng đắn, sáng tạo của Đảng

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã thể hiện vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong việc chủ động chuẩn bị lực lượng, tập hợp quần chúng, đề ra đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, sáng suốt nhận định thời cơ và chớp thời cơ hành động.

Chủ động chuẩn bị và tập  hợp lực lượng

Cách mạng tháng Tám nổ ra trong hoàn cảnh lịch sử trong nước và thế  giới có nhiều thuận lợi cho cách mạng. Tuy nhiên, để tận dụng được những tiền đề đó làm nên thành công của Cách mạng tháng Tám, từ nhiều năm trước, Đảng đã tích cực chuẩn bị lực lượng để đón thời cơ giành thắng lợi. 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân được chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa khi thời cơ đến. Cao trào cách mạng 1930 - 1931 được coi như cuộc tổng diễn tập đầu tiên. Cao trào dân chủ 1936 - 1939, là cuộc tổng diễn tập thứ 2. Cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945 là cuộc diễn tập thứ ba trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Đặc biệt, trong thời kỳ cao trào kháng Nhật, cứu nước (thời kỳ tiền khởi nghĩa), sau chỉ thị “Nhật pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12/3/1945, Đảng lãnh đạo quần chúng tiến hành khởi nghĩa từng phần, tạo nên làn sóng khởi nghĩa trên toàn quốc.

Nhân dân Thủ đô vùng lên giành chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám sôi sục.

Trên lập trường của giai cấp công nhân, Đảng ta tích cực vận động, tập hợp quần chúng, lôi kéo tầng lớp trung gian đứng về phía cách mạng. Chính sách của Đảng với tầng lớp trung gian trong thời kỳ Cách mạng Tháng tám là: phê bình, uốn nắn, vạch đường lối, chân thành đoàn kết cùng nhau đưa cách mạng đến thành công. Đảng giúp đỡ các tầng lớp trung gian lập ra tổ chức của mình để phát huy năng lực phục vụ Tổ quốc. Ngày 13/8/1945, sau khi Nhật đầu hàng đồng minh tầng lớp trung gian nói chung đều theo cách mạng.

Đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo

Trước Cách mạng tháng Tám, có ba thời điểm lịch sử thể hiện bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo đặc biệt của Ðảng ta: đó là các hội nghị Trung ương từ cuối năm 1939 đến đầu năm 1941 phát triển hoàn chỉnh, sáng tạo đường lối giải phóng dân tộc; những quyết sách quan trọng cuối năm 1944 đầu năm 1945 thổi bùng lên cao trào kháng Nhật cứu nước; quyết định Tổng khởi nghĩa của Hội nghị Ðảng toàn quốc tháng 8/1945.

Các Hội nghị Trung ương Ðảng (11/1939), (11/1940) và nhất là Hội nghị Trung ương tám (5/1941) đã đề ra những quan điểm và biện pháp cơ bản chỉ đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là phải đặt nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc lên hàng đầu; động viên, tổ chức và đoàn kết lực lượng của toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất và lựa chọn hình thức tổ chức Mặt trận Việt Minh nhằm khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, yêu nước nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc; chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Quan trọng nhất, Ðảng đặt nhiệm vụ khởi nghĩa vũ trang để giành độc lập, giành chính quyền là nhiệm vụ trung tâm.

Cuối năm 1944, Hồng quân Liên Xô phản công tiêu diệt phát xít Đức, Ý, giải phóng các nước Đông Âu, làm cho quân Nhật ở Đông Dương hoang mang dao động. Trước tình hình đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh nhận định: "Bây giờ tình hình phát triển cách mạng hòa bình đã qua, nhưng thời kỳ khởi nghĩa toàn dân chưa đến. Cho nên nếu chỉ hoạt động trong vòng chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào tiến tới, nhưng nếu phát động khởi nghĩa ngay thì sẽ bị quân địch làm cho nguy khốn. Đã đến lúc một cuộc đấu tranh phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự, nhưng lúc này chính trị vẫn trọng hơn quân sự, cần phải tiến hành hình thức đấu tranh thích hợp thì mới có thể đưa cách mạng tới thành công".

Nhận định tình hình, quyết liệt chỉ đạo

Đêm 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng được triệu tập tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ban thường vụ Trung ương Đảng nhận định về thời cơ có thể nổ ra khởi nghĩa. Đảng phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thời kỳ tiền khởi nghĩa) lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị thay đổi khẩu hiệu (đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp) trước đây bằng khẩu hiệu đánh đuổi phát xít Nhật và đề ra việc thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Bản Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời nhạy bén, bình tĩnh thận trọng và sáng tạo. 

Vừa được tin quân Nhật hoàn toàn tan rã và xin đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh, ngày 13/8/1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định thời cơ cho ta giành độc lập đã tới, Đảng phải kịp thời phát động, lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân Đồng minh Anh, Mỹ vào Việt Nam.

Ngay đêm 13/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập. Ủy ban đã ra Quân lệnh số 1 hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc thổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân.

Thực tiễn thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã chứng minh: Trên nền tảng của lý luận Mác- xít, Đảng ta đã sáng tạo, chủ động đề ra đường lối giải phóng dân tộc đúng đắn, tập hợp đoàn kết rộng rãi lực lượng của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh, đã lựa chọn và kết hợp đúng đắn các hình thức tuyên truyền, tổ chức và phương pháp đấu tranh thích hợp tạo nên sức mạnh tổng hợp xây dựng, phát triển thực lực cách mạng, thúc đẩy phong trào, đồng thời dự kiến và chớp đúng thời cơ hành động.
Thái Hòa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN