Không chỉ ở các nước đang phát triển, người tiêu dùng ở những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng thực phẩm như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... đều đã ít nhất một lần trải nghiệm nỗi kinh hoàng với sản phẩm của Trung Quốc. Dù không phải là phổ biến, song chỉ cần một vài vụ bê bối thực phẩm cũng đã đủ để người tiêu dùng các nước có cảm nhận xấu với nhãn hiệu “made in China”.
Tháng 10/2008, một phụ nữ Nhật Bản đã phải nhập viện với triệu chứng nôn mửa, cứng miệng sau khi ăn đậu xanh nhập khẩu từ Trung Quốc. Loại đậu xanh này do công ty thực phẩm Yantai Beihai của Trung Quốc sản xuất, công ty Nichirei Food của Nhật Bản nhập khẩu và bán ở chuỗi siêu thị Ito - Yokado. Bộ Y tế Nhật Bản lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện ra một gói đậu xanh này có chứa hàm lượng chất dichlorvos - một loại thuốc trừ sâu độc hại - cao gấp 34.000 lần cho phép.
Trung Quốc - Nhật Bản từng “hục hặc” vì bánh bao. |
Điều lạ là một quan chức về an toàn thực phẩm Trung Quốc khẳng định dichlorvos không được dùng trong quá trình trồng và chế biến đậu xanh. Quan chức này khẳng định lô đậu xanh đã vượt qua mọi cuộc kiểm tra an toàn tại hải quan Trung Quốc.
Vụ đậu xanh nhiễm thuốc trừ sâu không gây hậu quả nghiêm trọng trên diện rộng nhưng nó được chú ý vì chỉ mới đầu năm 2008, hàng loạt người dân ở Nhật Bản đã phải vào viện, chính xác là 175 người, sau khi ăn bánh bao và một số sản phẩm từ thịt của Trung Quốc. Các “thượng đế” đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Hỏi ra mới biết, họ đã ăn phải hoặc bánh bao, hoặc các sản phẩm từ thịt do công ty chế biến thực phẩm Tianyang ở Hồ Bắc, Trung Quốc sản xuất.
Trong số các nạn nhân, nhiều người bị đau bụng dữ dội, nôn mửa, tiêu chảy. Cá biệt, có một bé gái 5 tuổi bị hôn mê nhưng may mắn đã tỉnh lại sau đó. Mẹ và ba anh chị em của bé cũng trong tình trạng ngộ độc nặng. Ngoài ra, khoảng 500 người khác kêu đau bụng sau khi ăn loại bánh bao này. Vụ việc đã khiến dư luận Nhật Bản chấn động và khiến quan hệ giữa Nhật Bản với Trung Quốc căng thẳng.
Kiểm nghiệm cho thấy, lô hàng này đã bị nhiễm thuốc trừ sâu, cụ thể là chất methamidophos - được sử dụng ở Trung Quốc nhưng không phổ biến ở Nhật Bản. Sau vụ ngộ độc hàng loạt, công ty nhập khẩu JT Foods đã phải thu hồi toàn bộ bánh bao và các sản phẩm từ thịt của Trung Quốc.
Ngoài Nhật Bản, một nước khác nổi tiếng là khắt khe với sản phẩm nhập khẩu là Mỹ cũng “dính chưởng” nhiều lần vì thực phẩm Trung Quốc. Tháng 7/2007, hơn 20 cửa hàng tạp phẩm Albertson ở California, Mỹ nhập lô hàng gừng tươi từ Trung Quốc về để bán. Vài ngày sau đó, người ta phát hiện ra lô gừng này bị nhiễm thuốc trừ sâu nguy hiểm. Gừng tươi Trung Quốc tại siêu thị Save Mart bị phát hiện có hàm lượng chất độc hại aldicarb sulfoxide - một loại thuốc trừ sâu mà Mỹ cấm dùng. Vụ bê bối gừng vẫn chưa dừng ở đó khi 1 năm sau, tháng 7/2008, chuỗi siêu thị Whole Foods của Mỹ cũng bị phát hiện bán gừng dán nhãn “thực phẩm sạch” nhưng lại nhiễm thuốc trừ sâu aldicarb.
Một mặt hàng khác mà Mỹ nhập rất nhiều từ Trung Quốc là nước táo ép. Theo số liệu năm 2011, 70% thị phần nước táo ở Mỹ là của các nhà sản xuất Trung Quốc. Người tiêu dùng Mỹ cứ vô tư uống nước táo ép Trung Quốc, vừa khen ngon vừa khen rẻ mà không biết rằng đang uống nước táo ép thối. Sau đó họ mới “ngã ngửa” sau khi một tờ báo Trung Quốc phanh phui vụ một khu vực được coi là thủ phủ sản xuất nước trái cây ép Trung Quốc chuyên mua táo thối, lê thối để làm nước ép.
Thậm chí, các nhà sản xuất còn dùng táo nhiễm hàm lượng arsen và thuốc trừ sâu rất cao. Sản phẩm nước táo ép của tập đoàn Mott của Mỹ từng bị phát hiện có nồng độ arsen cao gấp 5 lần so với nồng độ cho phép trong nước uống. Điều này không có gì lạ vì Mott dùng nước táo cô đặc Trung Quốc trong các sản phẩm của mình.
Nói về táo Trung Quốc, hai giáo sư kinh tế Peter Navarro và Greg Autry, tác giả cuốn sách “Death by China: Confronting the Dragon - A Global Call to Action” (Chết dưới tay Trung Quốc: Đương đầu với con rồng - Lời kêu gọi hành động toàn cầu) đúc kết lại rằng: Mỗi ngày ăn một quả táo Trung Quốc sẽ tạo việc làm cho các bác sĩ chuyên khoa ung thư của Mỹ có việc làm cả đời (câu nói này mượn ý câu thành ngữ tiếng Anh “mỗi ngày ăn một quả táo, cả đời không phải gặp bác sĩ”.
Quy mô các vụ bê bối thực phẩm Trung Quốc ở Nhật Bản và Mỹ kể trên vẫn chưa là gì so với vụ bê bối “đình đám” ở Đức. Lần này nạn nhân là trẻ em. Năm 2012, hơn 11.000 học sinh tiểu học và trung học Đức bị cúm thể bụng (abdominal flu), trong đó 32 em nhập viện. Vụ việc được coi là đợt tiêu chảy kèm nôn mửa do ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong lịch sử Đức.
Giới chức Đức đã nhanh chóng lần ra nguyên nhân của dịch tiêu chảy này. Tất cả nạn nhân đều ăn cùng một thứ: Dâu tây đông lạnh từ Trung Quốc, món tráng miệng tại các trường học. Trung Quốc vốn là nước xuất khẩu dâu tây lớn nhất thế giới. Đức thường nhập dâu tây của Trung Quốc vì giá rẻ hơn nhiều so với dâu tây các nước khác như Ba Lan. Dâu tây mà học sinh Đức ăn được trồng ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc. Lô hàng 44 tấn này được đưa tới Hamburg, Đức bằng đường biển, tới tay Sodexo, một nhà phân phối thực phẩm lớn ở Đức, sau đó tới các trường học. Khoảng 500 trường học có học sinh bị cúm thể bụng trong vụ bê bối dâu tây Trung Quốc này. Vụ việc khiến phụ huynh học sinh rất phẫn nộ.
Không chỉ thực phẩm, thức ăn cho thú cưng do Trung Quốc sản xuất cũng gây bê bối. Cục quản lý dược và thực phẩm Mỹ (FDA) cho biết, tính đến ngày 1/5/2014, cục này đã nhận được hơn 4.800 đơn khiếu nại về việc 5.600 con chó, 24 con mèo đã mắc bệnh vì ăn thịt gà, thịt vịt, khoai lang nhập từ Trung Quốc. Theo ghi nhận của FDA, hơn 1.000 con chó ở Mỹ đã chết vì ăn thức ăn Trung Quốc. Ba người, trong đó có hai trẻ em và một người lớn, vô tình ăn các thức ăn dành cho chó mèo này cũng đổ bệnh. Đối với chó mèo, khoảng 60% mắc bệnh dạ dày - ruột và gan, 30% mắc bệnh thận và tiết niệu, 10% còn lại bị các triệu chứng khác liên quan đến thần kinh và da.
Sở Nông nghiệp và Thị trường New York cho biết các thức ăn chó mèo này có chứa kháng sinh không được dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, điều tra suốt từ năm 2007 đến nay, FDA vẫn không biết chính xác tại sao các thức ăn Trung Quốc lại khiến chó mèo đổ bệnh rồi chết hàng loạt. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn khẳng định sản phẩm của họ an toàn, được sản xuất theo “tiêu chuẩn của người”.
Hậu của các các vụ bê bối nối tiếp nhau là người tiêu dùng thế giới đồng loạt quay lưng lại với thực phẩm Trung Quốc.
Thùy Dương
Đón đọc kỳ tới: Phong trào nói không với đồ ăn Trung Quốc