Từ những ngày đầu tiên xuất hiện loại hình buôn bán trên biển, hải tặc đã luôn rình rập những chuyến hàng được chuyên chở bằng tàu thủy. Chúng cướp tất cả những gì mà chúng cho là có giá trị với chúng hoặc với những người chuyên mua đồ ăn cướp. Với những vụ tấn công như thế, chúng thường bị nhà chức trách săn lùng. Nhưng trong lịch sử, những tên cướp biển thường trốn thóat khỏi sự truy lùng bằng cách tìm những nơi ẩn náu - nơi mà chúng có thể thường xuyên lui tới để giấu những đồ cướp được và nghỉ ngơi sau những ngày cướp bóc, chém giết trên biển - mà không sợ bị pháp luật đụng tới.
Những nơi ẩn nấp nổi tiếng nhất phải kể đến Port Royal, Tortuga và New Providence ở khu vực biển Caribê. Trong khi đó Mađagaxca được coi là nơi xuất phát của những tên cướp tấn công tàu buôn qua lại giữa Anh và đông Ấn Độ, những con tàu chở người hồi giáo hành hương và những tàu chở đầy vàng bạc châu báu của người Mông Cổ trên Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.
Điều gì đã khiến cho những nơi này trở nên hấp dẫn với những tên cướp biển như vậy?
Kỳ 1: Mađagaxca - nơi phòng thủ kiên cố
Mađagaxca nằm cách bờ biển châu Phi 250 dặm về phía đông nam và gần hai tuyến đường buôn bán trên biển đó là Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Xưa kia, có một vài bộ lạc bản xứ sống trên đảo nhưng không bộ lạc nào ở gần nhau. Một số bộ lạc cho phép những tên cướp được đặt chân lên lãnh thổ của họ trên bờ. Nhưng có một thực tế là không cường quốc nào ở châu Âu tuyên bố chủ quyền với hòn đảo này vì thế đã biến Mađagaxca thành một nơi hấp dẫn với cướp biển. Hơn nữa, nó còn có những đặc điểm thuận lợi của một căn cứ cho cướp biển đó là nguồn cung cấp lương thực và nước ngọt dồi dào. Vùng này có nhiều loại hoa quả như chanh và cam giúp ngăn ngừa chứng thiếu vitamin C cho những tên cướp; những bãi biển hết sức lý tưởng, thuận lợi cho việc cạo những con hàu bám vào thân tàu.
Mađagaxca - địa điểm lý tưởng làm “đại bản doanh” của cướp biển |
Những tên cướp biển Pháp đầu tiên đã sử dụng Mađagaxca làm căn cứ để tấn công những con tàu qua lại Biển Đỏ từ trước năm 1614. Sau này hòn đảo thu hút thêm nhiều cướp biển đến bởi một phần việc cướp bóc ở vùng biển Caribê ngày càng ít hiệu quả.
Các băng nhóm hải tặc thành lập nhiều căn cứ ở Mađagaxca. Thông thường, mỗi căn cứ được đặt dưới sự chỉ huy của một tướng cướp được ví như một ông vua. Những địa điểm chính phải kể đến là vịnh Ranter, vịnh Saint Augustine đảo Reunion, Mauritus, đảo Johanna, pháo đài Dauphin và đảo Saint Marie. Riêng Saint Marie nổi tiếng nhất vì đến năm 1700, có khỏang 1.500 tến cướp sống ở đó và 17 con tàu chọn nơi này làm bến để neo đậu. Chỉ trong vòng 5 năm, bọn cướp đã biến nơi đây thành một nơi phòng thủ kiên cố đến mức các nước châu Âu bắt đầu lo lắng về ảnh hưởng mà những tướng cướp sừng sỏ như Thomas Tew, Henry Every và Willam Kidd gây ra đối với việc giao thương.
Có lẽ nơi trú ẩn nổi tiếng nhất ở Mađagaxca là Libertalia. Tuy nhiên, ngày nay không có bằng chứng nào chứng tỏ một địa điểm như thế đã từng tồn tại hay người thành lập ra nó là thuyển trưởng Misson đã từng sống. Chúng chỉ được nhắc đến trong cuốn sách lịch sử cướp biển của Charles Johnson.
Những tên cướp biển ở Libertalia được tổ chức thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm được biên chế 10 tên, trong số đó chúng lại bầu ra một tên đứng đầu để duy trì các quy định của Libertalia. Bọn cướp chia của cải và gia súc đều nhau. Nếu ai đó khai khẩn được một khoảnh đất thì người đó sẽ được sở hữu nó. Nhiều công trình với lối kiến trúc cầu kỳ được xây dựng lên và mọi người ủng hộ xây dựng một trụ sở hội họp. Những tên cướp đã bầu Misson là người đứng đầu với nhiệm kỳ ba năm. Một đoàn đại diện cho các nhóm cướp biển gặp gỡ nhau ít nhất một lần trong một năm để quyết định tất cả các vấn đề quan trọng đối với chúng và cộng đồng chung. Không một việc gì được phép tiến hành nếu như không có sự đồng thuận của những người này. Thomas Tew, một thuyền trưởng tàu cướp biển có thật đã được chỉ định làm đô đốc của hạm đội ở Libertalia và có nhiệm vụ lôi kéo nhiều tên cướp đến với nơi này. Ngoài ra, hắn còn được giao trách nhiệm bảo vệ bến tàu, khu chợ và các ngôi nhà. Trong khi đang tìm kiếm những chiến binh mới, Tew đã phải đối mặt với một tình thế hết sức khó khăn. Do không còn đủ lực lượng để bảo vệ Libertalia, Misson đã thất bại trong việc ngăn chặn những người bản xứ tấn công căn cứ giết hại đàn ông, đàn bà và trẻ em. Hắn và 45 tên cướp khác cố gắng trốn thóat cùng với một số vàng và kim cương mà chúng cướp được từ trước. Sau đó, Misson đã tìm thấy Tew. Hai tên quyết định trở lại Mỹ. Tuy nhiên, Misson không bao giờ làm được điều đó bởi con tàu của hắn bị chìm trong một trận bão.
Năm 1698, Những tên cướp biển ở Mađagaxca được hưởng sự khoan hồng. Nhiều tên đã chấp nhận sự khoan hồng, một phần vì ngày càng có nhiều đoàn tàu chiến tiến hành tuần tra trên Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Danh tiếng cũng như dân số của Mađagaxca giảm đi đáng kể. Đến năm 1711, chỉ còn lại chưa đầy một trăm tên cướp biển trên hòn đảo này. Những ai tiếp tục lấy đảo Saint Marie là nhà thì phải sống trong tình trạng nghèo khổ. Mãi đến năm 1719, Mađagaxca mới lấy lại được “danh tiếng” như xưa. Thời điểm đó, những tên cướp như Christpher Condent và Edward England đã chọn Mađagaxca làm căn cứ hoạt động.
Đình Vũ (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Port Royal - Chốn ăn chơi trụy lạc nhưng cũng là địa ngục.