Sự hợp tác giữa Cơ quan Tình báo Đối ngoại Đức (BND) và Klaus Barbie khởi nguồn từ thông tin do người chỉ điểm Wilhelm Holm cung cấp. Tất nhiên là một số cựu thành viên SS và Gestapo làm cho cơ quan tình báo Đức hẳn đã nhận ra điệp viên mới này đến từ Đệ Tam Quốc xã, trong đó có Emil Augsburg, cựu chuyên gia SS về Đông Âu, người từng có thời gian cùng làm việc với Barbie trong Quân đoàn chống tình báo (CIC) của quân đội Mỹ. Tổ chức Gehlen, tiền thân của BND, cũng biết rõ địa chỉ của Barbie tại thành phố Augsburg, vùng Bavaria trước khi hắn chuồn sang Bôlivia.
Ernst Uhrlau, Giám đốc đương nhiệm của BND. |
Một tài liệu có từ năm 1964 thậm chí còn nói rõ rằng Barbie "có thể" đang sống tại thủ đô La Pát của Bôlivia. BND, lúc đầu chỉ hoạt động tại châu Âu, bắt đầu mở rộng mạng lưới điệp viên của mình trên khắp thế giới và tập trung mạnh vào Bôlivia, đất nước ở thời điểm do một hội đồng quân sự nắm quyền. Phương Tây e ngại rằng một cuộc cách mạng chống lại chính quyền quân sự có thể khiến nước này rơi vào vòng ảnh hưởng của Liên Xô.
Danh tính của Barbie đến năm 1972 mới bại lộ, khi hắn bị những “thợ săn” phát xít Đức nổi tiếng là Beate và Serge Klarsfeld phát hiện. Cuối cùng Bôlivia cũng đồng ý dẫn độ Barbie về Pháp năm 1983, nơi hắn bị kết án với tội danh chống lại loài người và chết trong tù vào năm 1991. Sau khi Barbie bị Klarsfelds phát hiện, những người làm việc tại BND liên quan đến Barbie tuyên bố nội bộ với nhau rằng họ chỉ biết danh tính thực sự của Altmann (tên mà Barbie đã sử dụng sau khi trốn sang Bôlivia) qua báo chí.
Barbie rời phiên tòa xét xử tại Lyon sau khi bị kết án tù chung thân vào tháng 7/1987. |
Thế nhưng có vẻ như những lời giải thích này chỉ là dối trá bởi vì ngay câu chuyện Altmann kể cho Holm rằng hắn trốn thẳng từ Đông Đức sang Bôlivia lẽ ra đã dẫn tới một cuộc nghiên cứu kỹ càng về quá khứ của hắn. Người ta đã tìm thấy những đề nghị về một cuộc điều tra như vậy trong hồ sơ về Barbie. Lãnh đạo BND tại thời điểm đó rõ ràng đã bỏ qua việc thu thập thông tin chính thức về Altmann. Solinger, người phụ trách Barbie, đã đưa ra nhận xét về quá khứ của Barbie ngay từ cuộc gặp đầu tiên của họ. Rõ ràng là điệp viên mới của BND đã từng làm việc cho cơ quan an ninh của Đệ Tam Quốc xã, lực lượng đã tiến hành cuộc tàn sát người Do Thái trong thời kỳ chiến tranh.
Một số quan chức tình báo không liên quan đến vụ này cũng đã nghi ngờ khi điệp viên V-43118 từ chối tới Đức để huấn luyện. Ngày 13/9/1966, một người đã nhận xét: "Liệu có bằng chứng nào chống lại anh ta hay không - liên quan đến SS chẳng hạn?". Một vài tuần sau đó, tất cả mọi người liên quan đều biết văn phòng công tố tại Wiesbaden đang truy lùng Barbie dựa trên cơ sở một cuộc điều tra ban đầu của Văn phòng Điều tra Trung tâm về tội phạm Đức Quốc xã tại Ludwigsburg. Lúc này, người ta cũng biết Barbie bất đồng với Günther Motz, Đại sứ Đức tại La Pát. Barbie cáo buộc Motz "đặt lợi ích của người Do Thái Đức lên trên lợi ích của các công dân khác của nước này".
Sự hợp tác giữa BND và Barbie ngày càng trở nên nguy hại đối với cơ quan tình báo này. Đã có những lời xì xào về "nguy cơ an ninh lớn" cho BND. Lo ngại về khả năng Cơ quan tình báo của Cộng hòa Dân chủ Đức (STASI) hoặc KGB của Liên Xô có thể lật tẩy quá khứ phát xít của Barbie cũng bắt đầu xuất hiện. Mùa thu năm 1966, Cơ quan tình báo Đức đã quyết định loại bỏ Barbie nhằm "tránh xảy ra những tình huống phức tạp và khó khăn về sau".
Người phụ trách Solinger đã gặp Barbie tại thành phố Mađrít (Tây Ban Nha) ngay trước lễ Giáng sinh năm 1966 và nói với hắn rằng do chính phủ liên bang eo hẹp tài chính nên ngân sách của BND cũng bị cắt giảm mạnh. Solinger nói với Barbie rằng khu vực Nam Mỹ đã bị loại khỏi danh sách "khu vực do thám". Barbie được trả thêm 1.000 mác Đức để giữ im lặng.
Đối với BND, hồ sơ “điệp viên Adler” đã được đóng lại. Cơ quan tình báo này cũng quyết định không thông báo cho các cơ quan tư pháp của Đức những thông tin về Barbie, mặc dù hắn ta bị truy nã với tội danh giết người và tội phạm chiến tranh.
Hiện nay, tại BND không còn ai chịu trách nhiệm hoặc có thể đổ trách nhiệm về vụ Barbie. Những tiết lộ về vai trò không lấy gì làm vinh quang cho lắm của Cơ quan tình báo Đức trong vụ này thậm chí có thể có ích đối với giám đốc đương nhiệm của BND, ông Ernst Uhrlau. Đã nhiều năm qua, ông ta luôn muốn làm rõ thêm về BND trong thời kỳ hậu chiến, khi cơ quan này thuê nhiều nhân vật trong hàng ngũ Đức Quốc xã. Hiện Ernst Uhrlau cũng đang tiến hành thương lượng với một ủy ban có nhiệm vụ nghiên cứu cơ quan này và có quyền tiếp cận không giới hạn các hồ sơ lưu trữ của nó.
Quang Minh (Theo Spiegel)