Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ 1

Trong suốt 36 năm, thi thể gần 800 trẻ em đã bị chôn cất bí mật trong các thùng bê tông bên cạnh khu trại từng là nơi ở của các bà mẹ “không chồng mà chửa”. Trại dành cho các bà mẹ độc thân đó nằm ở hạt Galway, Ireland. Các thông tin gần đây cho thấy trẻ em ở đây đã bị bỏ rơi, bị suy dinh dưỡng hoặc mắc bệnh đến chết.

NƠI “TRẺ CHẾT NHƯ RUỒI”

Mãi đến gần đây, dư luận Ireland mới biết sự thật gây sốc về trại này sau khi người ta tìm thấy các cuốn băng ghi âm cuộc phỏng vấn một phụ nữ từng làm việc ở đây được thực hiện trước khi chết. Đó là bà Julia Devaney, người làm cho trại Trẻ em và Bà mẹ St Mary ở Tuam, hạt Galway khi bà mới 9 tuổi. Bà đã ở trại St Mary suốt 36 năm cho đến khi nó bị đóng cửa năm 1961. Nhiệm vụ của bà khi đó là người giúp việc cho các xơ.

Thực ra trước đó, tháng 5/2014, chuyện về 796 trẻ em được chôn trong mộ tập thể ở trại St Mary đã được báo Irish Mail on Sunday (Mos) đưa tin và gây sự chú ý của dư luận thế giới. Câu chuyện về gần 800 trẻ em xấu số đã khiến dư luận tức giận nhưng một số thông tin sau đó lại cho rằng không có bằng chứng hài cốt tại khu mộ.

Hình ảnh trại St Mary trong những năm 1920.

Mãi đến khi cuốn băng phỏng vấn bà Devaney xuất hiện, lời khai của bà mới được coi là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của ngôi mộ tập thể này. Bà Devaney đã qua đời cách đây 20 năm và là một thành viên đáng kính trong cộng đồng ở Tuam. Bà sinh năm 1916, dọn tới trại St Mary ở Tuam năm 1925 và ở đây suốt 36 năm.

Theo lời kể trong băng ghi âm, từ những năm 1920, phụ nữ chửa hoang ở Ireland thường bị người nhà đưa tới các trại để sinh con. Nhiều đứa trẻ sau đó được đưa tới Mỹ để làm con nuôi. Sử gia địa phương Catherine Corless, người đã nghiên cứu tên của 796 trẻ em chết trong trại St Mary từ năm 1925 đến 1961, đã dành vài tháng để ghi lại lời kể của bà Devaney trong những cuộn băng ghi âm.

Trẻ em trong trại.

Theo lời kể của bà Devaney, trẻ em trong trại “chết như ruồi”. Hàng chục em tử vong mỗi năm là chuyện bình thường. Bệnh ho gà trở thành đại dịch trong trại. Nhiều trẻ em tử vong nhưng trại chỉ có một nghĩa trang bé để chôn cất. Người ta chỉ điều tra trường hợp tử vong nếu trẻ đó dưới một tuổi. Còn trên một tuổi thì dù chết vì lý do gì họ cũng không mấy quan tâm vì lúc đó trẻ dễ mắc bệnh hơn.

Các xơ ở đây hầu như không mấy tiếp xúc với trẻ em sinh ra trong trại. Họ thậm chí còn không biết tên chúng. Điều kiện sống của trại St Mary rất kinh hoàng. Đó là một nơi lạnh lẽo, buồn bã và thiếu tình yêu. Trại không giống một ngôi nhà, chỉ là một nơi cũ kỹ, cô độc kinh khủng. Trẻ được sinh ra và lớn lên ở đó đều phát triển không tự nhiên. Các em không biết nói thế nào cho đúng mà tự tạo cho mình một thứ ngôn ngữ riêng. Không ai dạy dỗ và quan tâm tới các em. Khi các em từ trường về trại, các em ăn tối, được chải tóc bằng lược bí để loại bỏ chấy rận. Bữa ăn trước giờ đi ngủ gồm trà, bánh mỳ, bơ và cacao. Trẻ nhỏ đi ngủ lúc 6 giờ, cho dù là mùa đông hay mùa hè.

Các xơ ngoài việc giúp trẻ làm bài tập và hát ru cho chúng, họ không làm gì để phát triển tâm hồn các em. Mẹ các em thì chỉ được cho ăn, dọn dẹp và cho các em ngồi bô. Nhiều trẻ nghịch ngợm tới mức ném cả bô và chăn ra ngoài cửa sổ.

Sống trong điều kiện nghèo nàn cả về vật chất lẫn tinh thần, trẻ ở trại St Mary đứa nào cũng nhỏ thó so với tuổi. Một số trẻ còn không biết dùng thìa mà dùng tay để bốc cháo ra khỏi bát. Hậu quả sau đó là bị đánh. Tiếng khóc lóc, la hét của trẻ con là điều thường xuyên xảy ra trong trại.

Thông thường, các bé trai rời trại đi làm con nuôi lúc 5 tuổi, các bé gái rời trại lúc 7 tuổi. Trong những năm 1950, hàng chục trẻ ở trại St Mary được nhận làm con nuôi ở Mỹ. Nhiều vụ nhận làm con nuôi không hợp pháp vì thiếu giấy tờ hợp lệ. Khi trại đóng cửa, trẻ trong trại đều được đưa tới tu viện Sean Ross Abbey ở Roscrea.

Về các bà mẹ sống trong trại St Mary, nếu chẳng may bị đưa vào đây, họ thường sốc nặng với cuộc sống mới. Những ai trót mang bầu khi còn đi học sẽ không được học tiếp. Một số người còn phải nhập viện tâm thần ở Ballinasloe. Họ ngày càng trở nên giận dữ và tuyệt vọng và thường trút gánh nặng tâm lý bằng cách đánh đập con cái.

Có trường hợp một bà mẹ mang bầu tuyệt vọng khi bị người nhà đưa vào trại đến mức không còn năng lượng, nằm lỳ trên giường suốt 6 tháng, chỉ uống sữa cầm hơi. Khi đứa con chào đời, bà mẹ lúc nào cũng trong tâm thế chờ đợi gia đình gọi và chết khi con mới 6 ngày vì đau khổ với cảm giác bị bỏ rơi.

Bữa sáng của họ gồm cháo, sữa, trà, bánh mỳ. Sau khi ăn sáng, họ sẽ cho con mình ăn. Để tiết kiệm thức ăn, các bà mẹ bị ép cho con bú. Có xơ còn cố tình để trẻ sơ sinh đói lả đi để các bà mẹ buộc phải cho con bú. Bác sĩ phải chứng nhận rằng bà mẹ nào đó không thể nuôi con bằng sữa mẹ thì con của họ mới được bú bình. Có những bà mẹ không yêu con mình và thường bị bà Devaney để mắt vì có thể họ sẽ không cho con ăn chút nào.

Cuộc sống trong trại rất cực khổ. Không có sự an ủi, không lời khuyên bảo, không tình yêu. Nhưng không ai từng tìm cách tự tử. Họ chỉ sống mòn mỏi, đếm từng ngày, từng tuần cho đến khi được tự do rời trại. Bố mẹ họ sẽ đến trại để đón con gái về sau một năm. Đối với những người không có ai đón thì được các xơ giao việc cho làm. Nhiều người ở Tuam thường tới trại để tìm nữ giúp việc.

Các bà mẹ ở đây không bao giờ kể chuyện gì cho người ngoài nhóm họ, kể cả bà Julia Devaney. Họ sợ các xơ và nghi ngờ mọi người trong trại cho dù bà Devaney thường tốt bụng với họ. Mỗi sáng thứ 7, họ phải quét các sân trong trại và làm những việc được yêu cầu. Họ bị kiểm soát tới mức không bao giờ nổi loạn.

Thùy Dương
Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ cuối
Trại St Mary - nỗi hổ thẹn của Ireland - Kỳ cuối

Trong trại, nhóm phụ nữ làm đủ thứ việc như đào đất, lau chùi, nấu nướng, giặt là, dọn giường… Mỗi sáng, họ phải giặt giũ chăn ga. Lúc 17 giờ, họ phải thu chăn ga và trải giường. Trong trại, họ cũng nuôi gà, lợn và thường xuyên phải dọn chuồng, mang phân ra bón cây ở vườn. Họ không bao giờ nhận được tiền công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN