Giống như nhiều thị trấn khác ở Rust Belt, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, thị trấn Johnstown (bang Pennsylvania, Mỹ) là một khu dân cư nhộn nhịp khi ngành công nghiệp thép đang trong thời kỳ đỉnh cao.
Nằm cách Pittsburgh 97 km về phía đông, thị trấn Johnstown hình thành trên vùng đồng bằng nằm giữa sông Little Conemaugh và Stony Creek. Có lẽ chính vị trí địa lý này khiến thành phố thường xuyên bị ngập lụt. Vào giữa những năm 1800, giới chức đã xây dựng một con đập trên sông Little Conemaugh, cách Johnstown 22,5 km về phía thượng lưu, giúp kiểm soát những thảm họa này.
Thật không may, 50 năm sau đó, khi con đập xuống cấp, Johnstown đã trải qua một trong những trận lũ lụt kinh hoàng nhất lịch sử nước Mỹ, cuốn trôi gần 10% dân số của khu vực.
“Quả bom nước” khổng lồ ở đập South Fork
Năm 1889, có khoảng 30.000 cư dân - nhiều người trong số đó là công nhân luyện thép – sinh sống tại Johnstown. Cư dân thị trấn đã quen với các trận lũ lụt xảy ra khi mưa lớn hoặc tuyết tan quá nhanh từ những ngọn núi xung quanh, nhưng họ chưa từng chuẩn bị cho những gì xảy ra vào ngày 31/5/1889, khi đập South Fork đổ sập.
Theo trang History, được xây dựng vào những năm 1840, South Fork là con đập lớn nhất ở Mỹ. Công trình này được xây dựng bằng đất và đá, nằm trong khu vực hồ nhân tạo Conemaugh cao 22m và dài 275 mét.
Con đập là một phần thiết yếu của hệ thống kênh đào được sử dụng để vận chuyển hàng hóa dọc theo các con sông của Pennsylvania trước cuộc Cách mạng Công nghiệp. Tuy nhiên, các tuyến đường sắt ra đời trên khắp nước Mỹ cuối cùng đã thay thế các con kênh này, trở thành phương tiện vận chuyển hàng hóa chính. Kể từ đó, đập South Fork rơi vào tình trạng xuống cấp, do không được bảo trì thường xuyên.
Năm 1879, câu lạc bộ săn bắn và câu cá South Fork đã mua lại hồ Conemaugh và con đập để sử dụng làm điểm câu cá thư giãn dành riêng cho giới nhà giàu. Những thành viên của câu lạc bộ này bao gồm một số tỷ phú giàu nhất ở Mỹ - như Andrew Carnegie và Henry Clay Frick. Song dù có rất nhiều tiền, câu lạc bộ này đã không thể bảo tồn con đập. Trên thực tế, giới chức thậm chí còn hạ độ cao của công trình để xây một con đường rộng hơn qua đỉnh của con đập, lắp thêm các tấm chắn đập tràn để ngăn cá bơi ra ngoài. Cả hai thay đổi này đã góp phần rất lớn vào sự cố vỡ đập và trận lụt Johnstown sau đó.
Vào ngày 31/5/1889, kỹ sư của con đập nhận thấy các tấm chắn đập tràn đã bị tắc với nhiều mảnh vụn từ các đống đổ nát tích tụ lại sau nhiều ngày mưa lớn. Dự cảm thảm họa sắp xảy ra, ông đã cưỡi ngựa vào thị trấn gần đó để cảnh báo cư dân. Nhưng không may, đường dây của máy điện báo đã bị ngắt. Không ai có thể liên lạc với Johnstown.
Con đập đã đổ sập chỉ 3 giờ sau đó. Có thể nghe rõ tiếng nổ lớn cách khu vực xảy ra thảm họa hàng km. Toàn bộ hồ Conemaugh xả lũ với tốc độ 64km/h. Trong khi đó, những cư dân của Johnstown, chỉ cách 22km về phía hạ lưu, không biết điều gì sắp ập đến.
Sức tàn phá kinh hoàng của trận “đại hồng thủy”
Nước lũ ập đến cuốn phăng cây cối, nhà cửa và mọi đồ vật khi quét qua các ngôi làng phía đông Johnstown. Vào lúc nước lũ và các mảnh vỡ tràn đến thị trấn xấu số này vào khoảng 4 giờ chiều, nước đã dâng cao gần 12 mét.
Bài viết của tờ New York Times ngày 1/6/1889 mô tả thị trấn Johnstown đã bị xóa sổ sau khi trận lụt quét tới như một cơn sóng thủy triều. Nhà cửa, nhà máy và những cây cầu đã bị cuốn đi trong tích tắc và nhiều người dân cũng bị dòng lũ dữ cuốn trôi trong sự hỗn loạn.
Trận “đại hồng thủy” với 20 triệu tấn nước đã “xé toạc” thị trấn Johnstown. Trong khi đó, việc phụ thuộc vào điện tín ở thời điểm đó khiến giới chức gặp rất nhiều khó khăn trong việc thông báo cho người dân sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm. Một nhân viên điện báo nói với các phóng viên rằng anh đã đếm được 63 thi thể trôi qua văn phòng của mình chỉ trong vòng 20 phút.
Tuy nhiên, không mất nhiều thời gian để ước tính hậu quả của trận lụt. Dữ liệu từ Hiệp hội Di sản Khu vực Johnstown cho biết đã có tổng cộng 2.209 người thiệt mạng, 750 người không thể xác định danh tính. Trận lũ đã cướp đi sinh mạng của 99 hộ gia đình, trong đó có 396 trẻ em. Thậm chí, một số thi thể còn bị cuốn đến tận Cincinnati - cách đó 482 km. Cho đến năm 1911, giới chức mới tìm thấy thi thể nạn nhân cuối cùng.
Trận lũ đã quét sạch 6.500 m2 trung tâm thành phố Johnstown, phá hủy 1.600 ngôi nhà và gây thiệt hại giá trị tài sản lên tới 17 triệu USD. Nước lũ cũng dâng lên cao 27 mét so với mực nước sông bình thường ở nhiều nơi. Một số cư dân đã phải bám vào cây cối, đồ đạc và mái nhà đã bị phá hủy để giành giật sự sống trước dòng lũ chảy xiết.
Thảm họa chưa dừng lại ở đó, hàng đống mảnh vỡ bị lũ cuốn đã chất đầy hạ lưu cầu Đá của Công ty Đường sắt Pennsylvania. Những đống đổ nát trải dài tới 12 hecta đã bị thiêu rụi sau đó, giết chết nhiều người sống sót sau trận lũ.
Vào cuối ngày, gần 10% cư dân Johnstown đã thiệt mạng, chỉ còn một số ít người còn sống sót ở lại khắc phục hậu quả của thảm họa.
Tái thiết Johnstown sau thảm họa
Năm ngày sau trận lụt và hỏa hoạn kinh hoàng, sáng lập viên Hội Chữ thập đỏ Mỹ Clara Barton và tổ chức này đã bắt đầu nỗ lực cứu trợ sau thảm họa thời bình lớn đầu tiên của mình. Tổ chức này đã quyên góp được gần 4 triệu USD để hỗ trợ tái thiết Johnstown. Giới chức cho biết phải mất 5 năm để xây dựng lại khu dân cư này.
Nhưng thật không may, không gì có thể ngăn cản sức mạnh của thiên nhiên. Johnstown lại phải đối mặt với trận lụt thảm khốc, nghiêm trọng khác vào năm 1936 và sau đó vào năm 1977. Nhưng có lẽ không có sự kiện nào sánh được với sự tàn phá khủng khiếp của trận lụt năm 1889.
Trên thực tế, một thập kỷ sau đó, cho đến khi cơn bão Galveston kéo đến, trận “đại hồng thủy” Johnstown vẫn được nhắc đến là trận lụt có thiệt hại về nhân mạng lớn nhất lịch sử nước Mỹ chỉ trong 1 ngày. Nhưng vẫn có rất ít người biết đến trận lụt kinh hoàng này.
Ngày nay, nếu đến thăm Tòa thị chính của Johnstown giờ đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến các điểm đánh dấu biểu thị mực nước dâng cao của mỗi trận lũ và tìm hiểu thêm về thảm họa ít được biết đến này.