Chiến lược can dự của Mỹ tại Trung Đông- Kỳ 1:

Trung Đông ngập trong vũ khí

Từ thời Tổng thống Carter cho tới khi mở màn cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq (IS) tự xưng, Mỹ đã có 35 năm xây dựng các căn cứ quân sự ở Trung Đông và gieo rắc thảm họa cho khu vực này.

Trong một bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nhấn mạnh về "chu kỳ xung đột" ở Trung Đông, về "bạo lực trong cộng đồng Hồi giáo, vốn trở thành nguồn gốc gây ra nhiều sự đau khổ đối với con người".

Ông Obama quả quyết: "Đã đến lúc thừa nhận sự tàn phá do các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và chiến dịch chống khủng bố trên khắp Trung Đông gây ra”.

Nhưng sau đó, ông lại tiếp tục bài diễn thuyết của mình nhằm thúc đẩy các cuộc chiến tranh ủy nhiệm của Mỹ (bao gồm cả sự ủng hộ đối với lực lượng nổi dậy Syria và lực lượng vũ trang Iraq chống lại IS), như thể cuộc phiêu lưu quân sự của Washington trong khu vực đã không làm những căng thẳng sắc tộc gia tăng và cũng không gây ra “sự đau khổ” cho người dân nơi đây.

Mỹ muốn Trung Đông ngập trong các loại vũ khí.


Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Obama tiếp tục đưa ra sự cam kết đối với khu vực này. Về đối tượng của các cuộc chiến ủy nhiệm, quân đội Iraq và số lượng nhỏ quân nổi dậy Syria đã và sẽ tiếp nhận một phần sự hỗ trợ quân sự của Mỹ.

Tuy nhiên, một vài chuyên gia cảnh báo rằng mọi thứ mà Washington đã làm tại Trung Đông là nhằm khiến cho khu vực này ngập trong các loại vũ khí.

Ví dụ, kể từ giữa năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đã “mở đường” cho Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) mua hệ thống pháo tên lửa cơ động tầm cao (HIMARS) cùng các thiết bị liên quan trị giá hàng trăm triệu USD và bỏ thêm hàng tỷ USD để mua xe kháng mìn và chống phục kích (MRAP); cho Lebanon mua máy bay trực thăng Huey và các thiết bị hỗ trợ trị giá gần 200 triệu USD; cho Thổ Nhĩ Kỳ mua các tên lửa AIM-120C-7 AMRAAM (không đối không) trị giá hàng trăm triệu USD; cho Israel mua tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder trị giá 500 triệu USD; và cho một loạt các giao dịch vũ khí khác để hỗ trợ cho quân đội Ai Cập, Kuwait, và Saudi Arabia.

Đó là chưa kể đến hợp đồng trị giá gần 70 triệu USD, được ký kết vào tháng 9/2014, nhằm chuyển tên lửa Hellfire cho Iraq, Jordan, Saudi Arabia và Qatar; hoặc một hợp đồng hải quân trị giá 48 triệu USD, được ký kết cùng thời điểm đó, cho các dự án xây dựng căn cứ quân sự tại Bahrain và UAE.

Trong khi đó, với việc thực hiện các cuộc không kích nhằm vào những mục tiêu của IS ở Iraq và Syria, Mỹ đã có hành động can dự quân sự ở ít nhất 13 quốc gia tại khu vực Đại Trung Đông (bao gồm các nước Hồi giáo và một số nước Trung Á) kể từ năm 1980.

Kể từ thời điểm đó, mỗi tổng thống Mỹ đều có một cuộc xâm lược, chiếm đóng, ném bom hoặc tham gia vào một cuộc chiến tranh ở ít nhất một quốc gia trong khu vực này. Tất cả các chiến dịch quân sự này, số lượng các đợt ném bom, tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình đã lên đến con số hàng trăm.

Với các chiến dịch quân sự trước đây ở khu vực Đại Trung Đông, quân đội Mỹ đã nhận được hỗ trợ bằng việc được phép tiếp cận và sử dụng một loạt các căn cứ quân sự trong khu vực. Những căn cứ này án ngữ một khu vực tập trung trữ lượng dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới và có vị trí địa chiến lược quan trọng nhất trên trái đất.

Mỹ đã can dự quân sự ở ít nhất 13 quốc gia tại Đại Trung Đông kể từ năm 1980.


Thực vậy, kể từ năm 1980, quân đội Mỹ đã từng bước chuyển sang đóng quân ở khu vực này thay vì trước đó chỉ đóng quân ở khu vực Tây Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh hoặc tại các căn cứ được xây dựng để tiến hành các cuộc chiến tranh ở Triều Tiên và xâm lược Việt Nam.

Chỉ tính riêng ở Vịnh Ba Tư, quân đội Mỹ có các căn cứ chính ở tất cả các nước, trừ Iran. Ở Afghanistan và Iraq, Mỹ lần lượt có khoảng 800 và 500 căn cứ.

Gần đây, chính quyền Obama đã ký một thỏa thuận với Tổng thống mới của Afghanistan Ashraf Ghani để duy trì sự hiện diện của khoảng 10.000 quân và ít nhất 9 cơ sở quân sự chính của Lầu Năm Góc sau khi chính thức kết thúc các hoạt động chiến đấu ở quốc gia này vào cuối năm 2013. Quân đội Mỹ, vốn chưa bao giờ rời khỏi Iraq hoàn toàn, giờ đây đang quay trở lại với nhiều căn cứ quân sự hơn.

Những căn cứ quân sự của Mỹ đã tồn tại từ rất lâu ở Trung Đông và do đó, người Mỹ hiếm khi nghĩ về nó, trong khi các phương tiện truyền thông dường như không bao giờ đề cập đến chủ đề này.

Quốc hội Mỹ đã chi nhiều tỷ USD để xây dựng và duy trì các căn cứ quân sự trong khu vực, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao lại có quá nhiều căn cứ như vậy và vai trò mà chúng thực sự là gì? Theo một ước tính, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD để bảo vệ các nguồn cung dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư trong suốt 4 thập kỷ qua.

Chiến lược duy trì các cơ sở đồn trú, binh sĩ, máy bay và tàu chiến ở Trung Đông là một trong những thảm họa lớn trong lịch sử chính sách đối ngoại của Mỹ. Sự tồn tại của các căn cứ này đã giúp tạo ra chủ nghĩa cực đoan và tình cảm chống Mỹ, làm bùng lên các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của người Mỹ.


Công Thuận


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN