Con rể đồng thời cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump - Jared Kushner. Ảnh: Reuters |
Mùa Hè 2017, một chuyên gia tài chính người Mỹ đã tìm đến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng: Chính phủ Triều Tiên muốn được nói chuyện với ông Jared Kushner – cố vấn cấp cao kiêm con rể của ông chủ Nhà Trắng.
Nhân vật được nhắm
Chuyên gia tài chính, doanh nhân Gabriel Schulze, lúc đó giải thích một quan chức cấp cao của Triều Tiên đang muốn tìm cách mở một kênh liên lạc bí mật để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ông Schulze, sinh sống ở Singapore, đã thiết lập được một mạng lưới liên lạc tại Triều Tiên thông qua những chuyến công tác tới quốc gia bị cô lập này để phát triển cơ hội làm ăn. Đồng thời, vị chuyên gia tài chính Schulze cũng từng gặp gỡ các thành viên trong gia đình Tổng thống Trump lần đầu tiên cách đây vài năm khi gia đình ông đang tìm kiếm các hợp đồng thương mại tại châu Á.
Đối với một số quan chức Chính phủ Triều Tiên, ông Kushner được đánh giá là đầu mối liên lạc tiềm năng. Theo những gì mà giới chức Triều Tiên phân tích, là một thành viên của gia đình Tổng thống, Kushner có khả năng tác động tới “bố vợ” đồng thời “miễn nhiễm” với cơn bão thay đổi nhân sự trong thời gian đầu cầm quyền của Tổng thống Trump. Đặc biệt, việc tiếp cận con rể ông Trump có thể giúp phía Triều Tiên vượt qua bộ máy quan liêu của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Trích nguồn tin từ các cuộc phỏng vấn giới chức Mỹ có liên quan đến các buổi đàm phán, báo New York Times cho rằng lối tiếp cận âm thầm của chuyên gia tài chính Schulze là một bước đi trên con đường dẫn đến màn bắt tay lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều ở Singapore vào ngày 12/6 vừa qua.
Trong đó, con đường này bao gồm các cuộc họp bí mật giữa đội ngũ tình báo, các màn thảo luận giữa các doanh nhân và vai trò thầm lặng của cố vấn Kushner. Theo các nguồn thạo tin, những mối liên hệ ban đầu của doanh nhân Schulze rất hữu ích trong việc tạo đà cho tiến triển ngoại giao và có kết quả về một Hội nghị Thượng đỉnh ở Singapore.
Họ khẳng định ông Kushner không đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán thiết lập kênh liên lạc bí mật với quan chức Triều Tiên.
Thay vào đó, con rể ông Trump thông báo cho Mike Pompeo – lúc bấy giờ vẫn đang là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) – về đề nghị của doanh nhân Schulze và yêu cầu CIA chịu trách nhiệm thảo luận tiếp.
Cho đến nay vẫn chưa rõ lý do vì sao con rể ông Trump lại tin tưởng CIA thay vì Bộ Ngoại giao đảm nhận trách nhiệm dẫn đầu các cuộc thảo luận ngầm. Có thể vì tại thời điểm đó, ông Kushner có quan hệ không thật tốt với Ngoại trưởng Rex Tillerson và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với Giám đốc CIA Pompeo.
Phản ứng trước thông tin có kênh liên lạc ngầm giữa Kushner và doanh nhân Schulze, Nhà Trắng và CIA chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào.
Đây không phải là lần đầu tiên con rể Tổng thống Trump, ông Kushner liên quan đến một kênh liên lạc bí mật có liên quan tới một vấn đề nhạy cảm an ninh quốc gia.
Đầu năm 2017, ông Kushner đã thiết lập một kênh riêng cho Đại sứ Trung Quốc tại Washington D.C Thôi Thiên Khải để tìm cách ổn định quan hệ của Tổng thống Trump với Chính phủ Trung Quốc, sau khi mối quan hệ này có phần căng thẳng vì lần nói chuyện của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan.
Ông Kushner và Đại sứ Thôi Thiên Khải tổ chức một cuộc họp kéo dài hai ngày trong tháng Tư, trong khi Tổng thống Trump đón tiếp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida. Rất nhiều chuyên gia nhìn nhận cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc ở Washington đã đánh dấu vai trò quan trọng của con rể ông Trump trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc.
Ngoại giao không chính thống
Doanh nhân Schulze không phải là người duy nhất đề nghị làm môi giới cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Trong năm qua đã có hơn chục người tiếp cận Bộ Ngoại giao Mỹ đem theo tuyên bố có mối liên hệ với những quan chức cấp cao trong Chính phủ Triều Tiên. Tuy nhiên, những thông tin trung gian đó hầu hết không dẫn đến đâu, và một số nhà ngoại giao nghi ngờ rằng chúng thực sự đem lại kết quả.
"Dưới thời kỳ của ba chính quyền Washington trước đây, ban lãnh đạo Triều Tiên đã nhiều lần sử dụng người trung gian tìm cách dàn xếp một cuộc hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ thay vì các kênh ngoại giao bình thường", Michael J. Green, quan chức nghiên cứu Triều Tiên dưới thời của cựu Tổng thống George W. Bush cho biết.
Trên thực tế, việc Mỹ sử dụng lối tiếp cận ngoại giao không chính thống với Triều Tiên không phải là duy nhất. Khi cựu Tổng thống Barack Obama bắn tín hiệu muốn đàm phán với Iran vào năm 2009, một vài người, trong số đó có cả cựu thủ tướng Tây Ban Nha và một doanh nhân Oman, đã tiếp cận Bộ Ngoại giao Mỹ để đề nghị đóng vai trò trung gian. Chính quyền sau đó đã thiết lập một kênh bí mật để gặp gỡ các quan chức Iran tại Oman.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 9/2017, Ngoại trưởng Tillerson tiết lộ chính quyền Washington có "hai hoặc ba kênh liên lạc mở đối với Bình Nhưỡng" mà ông hy vọng có thể mang lại một bước đột phá trong bối cảnh căng thẳng leo thang về các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ngay hôm sau, Tổng thống Trump đã mắng mỏ Ngoại trưởng Tillerson ngay trên Twitter, nói rằng Tillerson đang "lãng phí thời gian khi tìm cách thương lượng với Người đàn ông Tên lửa”.
Trong thực tế, Giám đốc CIA Pompeo sau đó đã tìm được các đầu mối liên lạc với quan chức tình báo Triều Tiên. Ông đã thực hiện hai chuyến đi đến Bình Nhưỡng chỉ trong một thời gian ngắn và tiếp tục dẫn đầu các cuộc đàm phán chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Ngoại trưởng Pompeo cũng từng tiếp xúc với Kim Yong-chol, cựu tướng tình báo Triều Tiên và tin tưởng Andrew Kim – một quan chức CIA người Mỹ gốc Hàn.