Vén màn bí mật mối tình đầu của Tống Mỹ Linh - Kỳ cuối

Tống Mỹ Linh - Người đàn bà không chỉ là "nội tướng"


Sau khi kết hôn với Tưởng Giới Thạch, khác với những mệnh phụ phu nhân khác, Tống Mỹ Linh không thỏa mãn với sự xa hoa, nhanh chóng thâm nhập vào đời sống chính trị để sớm trở thành một Đệ nhất phu nhân thực thụ, giúp đỡ Tưởng Giới Thạch xây dựng vương triều nhà Tưởng. Nhằm góp phần "nhào nặn" Tưởng Giới Thạch thành một hình tượng mong muốn, kết hôn chưa đầy hai năm, Tống Mỹ Linh đã hối thúc Tưởng Giới Thạch công khai chấp nhận làm lễ rửa tội theo đạo Cơ đốc. Ngày 23/10/1930, ý nguyện này của Tống Mỹ Linh đã trở thành hiện thực. Tống Mỹ Linh là một người vô cùng yêu quyền lực, nên không chỉ đứng sau hậu trường đạo diễn, mà còn nhiều lần ra sân khấu đóng vai trò của một diễn viên.


Tống Mỹ Linh phát biểu trước Quốc hội Mỹ năm 1943.


Ngày 4/1/1928, Tưởng Giới Thạch được phục chức Tổng tư lệnh quân cách mạng quốc dân. Từ đó, Tống Mỹ Linh thường xuyên đi cùng Tưởng Giới Thạch đến chỗ này, nơi kia. Có khi, bất chấp bom đạn, Tống Mỹ Linh vẫn quyết định mạo hiểm ra tận trận địa úy lạo binh lính. Tống Mỹ Linh giúp Tưởng Giới Thạch xử lý và lưu giữ những văn kiện tối cơ mật, tóm lược sách báo nước ngoài, lấy ra những tin quan trọng. Tưởng Giới Thạch muốn tìm hiểu những vấn đề ngoài Trung Quốc, Tống Mỹ Linh là một cố vấn không thể thiếu. Tưởng Giới Thạch gặp gỡ, giao lưu với khách quốc tế, Tống Mỹ Linh lại đóng vai trò của một phiên dịch. Mùa xuân năm 1934, Tống Mỹ Linh cùng với Tưởng Giới Thạch đi Nam Xương (Giang Tây). Ở đây, Tống Mỹ Linh tích cực khởi xướng, phụ trách Phong trào Đời sống mới và kiêm nhiệm luôn chức Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, khích lệ phụ nữ cả nước thành lập hiệp hội. Ngoài ra, Tống Mỹ Linh còn đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Ủy viên chấp hành Trung ương, Ủy viên lập pháp Viện lập pháp, Tổng thư ký Ủy ban hàng không của Quốc dân Đảng…


Tống Mỹ Linh đang phiên dịch cho Tưởng Giới Thạch tại cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Roosevelt.


Trong "Sự biến Tây An" chấn động toàn thế giới diễn ra ngày 12/12/1936, Tống Mỹ Linh đã trở thành ân nhân cứu mạng của Tưởng Giới Thạch khi thương thuyết thành công, buộc các tướng phản loạn thả Tưởng Giới Thạch ra vào đúng dịp Lễ Nôen năm đó. Nhằm giúp Tưởng Giới Thạch có được sự ủng hộ của phương Tây, Tống Mỹ Linh đã tiến hành vận động chính trị tại nhiều nơi trên thế giới như: gặp thị trưởng thành phố New York, Tổng thống Mỹ Roosevelt; phát biểu tại Quốc hội Mỹ, Quốc hội Canađa; cùng Tưởng Giới Thạch tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên giữa ba nước: Trung Quốc, Anh và Mỹ tại Cairô (Ai Cập)… Những chuyến đi như con thoi tới nước này nước kia cùng tài ngoại giao, khiếu ăn nói đã khiến danh tiếng chính trị của Tống Mỹ Linh ngày càng lớn. Thậm chí, có người còn chủ trương mời Tống Mỹ Linh tham dự hội nghị hòa bình thế giới sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc.


Tống Mỹ Linh với Tưởng Giới Thạch (trái) và Tướng Joseph W.Stilwell (phải).


Năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cuộc kháng chiến hoàn toàn thắng lợi. Thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống Truman ủng hộ Quốc dân Đảng, từ Mỹ, Tống Mỹ Linh đau khổ khi thấy chồng thua trận phải tháo chạy sang Đài Loan. Sau đó, Tống Mỹ Linh cũng trở về Đài Loan. Thời kỳ này, uy tín của Tống Mỹ Linh trên chính trường vẫn rất lớn. Tống Mỹ Linh từng được bầu làm Chủ tịch danh dự Cơ quan Cứu trợ Y tế Trung Quốc của Mỹ - một cơ quan đỡ đầu cho Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế và Chủ tịch danh dự Quỹ Cứu trợ Trung Quốc của Liên hiệp Anh. Suốt thời kỳ cuối những năm 1960, Tống Mỹ Linh nằm trong danh sách 10 người phụ nữ được "ngưỡng mộ" nhất nước Mỹ.

 

Từ khi Tưởng Giới Thạch qua đời vào năm 1975, do thất bại trong việc kiểm soát Quốc dân Đảng, Tống Mỹ Linh quyết định sang Mỹ định cư nhưng vẫn không hoàn toàn rời bỏ nền chính trị Đài Loan. Năm 1988, Tống Mỹ Linh trở lại hòn đảo này để tập hợp các đồng minh cũ sau khi người con trai của Tưởng Giới Thạch là Tưởng Kinh Quốc qua đời. Nhưng Tống Mỹ Linh lại một lần nữa không thành công do xu hướng "bản địa hoá" nền chính trị đã bắt đầu nổi lên tại Đài Loan. Lần cuối cùng Tống Mỹ Linh xuất hiện trước công chúng là vào tháng 1/2000, khi tham dự một triển lãm tranh về chủ đề phong cảnh Trung Quốc do tờ tạp chí World Journal của Trung Quốc tổ chức. Ngày 24/10/2003, Tống Mỹ Linh đã qua đời tại Mỹ, thọ 106 tuổi.

 

Minh Thành (Tổng hợp)

1
Vén màn bí mật mối tình đầu của Tống Mỹ Linh - Kỳ 4
Vén màn bí mật mối tình đầu của Tống Mỹ Linh - Kỳ 4

Để độc chiếm người đẹp, Tưởng Giới Thạch không chỉ làm cho Lưu Kỉ Văn thối chí trên đường tình, khẩn cầu sự giúp đỡ của bề trên Tôn Trung Sơn, mà còn vận động cả hai người chị gái của Tống Mỹ Linh là Tống Khánh Linh và Tống Ái Linh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN