70 năm trước, một cuộc trốn thoát ngoạn mục của người Do Thái đã xảy ra tại Đan Mạch, lúc đó bị đặt dưới sự chiếm đóng của Đức Quốc xã. Lời cảnh báo về việc Đức lên kế hoạch trục xuất người Do Thái đến các trại tập trung khiến gần như toàn bộ dân số Do Thái ở Đan Mạch - lên đến gần chục ngàn người - rời bỏ nhà cửa và trốn khỏi đất nước.
Ông Bent lúc còn trẻ và hiện tại. |
Giờ đây, ngồi trong căn hộ tiện nghi ở trung tâm Copenhagen (Đan Mạch), ông Melchior Bent cùng với vợ - bà Lilian - nhớ lại về cuộc đào thoát mà ông đã thực hiện cách đây 7 thập kỷ nhưng vẫn hiển hiện một cách rõ ràng theo năm tháng.
Năm 1943, sau 3 năm bị Đức xâm chiếm, tại Đan Mạch có khoảng 8.000 người Do Thái sinh sống. Tháng 9 năm đó, cảnh sát mật của Đức Quốc xã (Gestapo) đã quyết định trục xuất tất cả người Do Thái tại Đan Mạch đến trại tập trung, giống như họ đã làm với hàng triệu người Do Thái khác trên khắp châu Âu. Các cuộc bố ráp được lên kế hoạch bắt đầu thực hiện vào ngày 1/10, đó là ngày Shabbat mà người Do Thái thường tập trung đông đủ gia đình để ăn tối.
Những người Do Thái Đan Mạch trên thuyền đánh cá trong cuộc đào thoát. |
Trước đó vài ngày, Georg Duckwitz, một tùy viên hải quân làm việc trong Đại sứ quán Đức tại Copenhagen, đã tiết lộ thông tin về kế hoạch bố ráp trên cho Hans Hedtoft, lãnh đạo của đảng Lao động Đan Mạch. Hedtoft - người sau này trở thành thủ tướng Đan Mạch - vội vã cảnh báo cộng đồng Do Thái và khuyên họ nên rời đi.
“Khi anh bước lên chiếc thuyền đánh cá thì có nghĩa là anh sẽ thực hiện một chuyến hành trình xuyên biển Baltic đầy nguy hiểm để đến được một nơi an toàn”, Bent, lúc đó mới 14 tuổi, nhớ lại. Bent kể lại anh đã rất lo sợ rằng có thể sẽ không bao giờ nhìn thấy ngôi nhà thân yêu của mình một lần nữa. “Chúng tôi đều rất sợ hãi. Em trai tôi mới 5 tuổi và không biết những gì đang xảy ra. Tôi cũng không biết mẹ mình đang mang thai vào thời điểm đó. Vì vậy, đối với bà, đó là khoảng thời gian khủng khủng khiếp", Bent nói.
Đó là một đêm mùa thu, 2.500 người Do Thái đã phải trốn từ các bãi biển và cảng nhỏ của Đan Mạch sang nước láng giềng Thụy Điển với phương tiện chủ yếu là thuyền, tàu chở hàng và ca nô, thậm chí có người còn dùng phao để bơi.
Sơ đồ hành trình đào thoát. |
"Cha mẹ tôi là một trong số những người biết tin này đầu tiên. Do lo ngại rằng điện thoại có thể bị nghe lén nên mẹ tôi phải đi tới từng gia đình Do Thái để bấm chuông gọi cửa và khuyến khích họ rời đi. Gia đình tôi tập trung trên chiếc thuyền vốn dùng để chở cá, nhưng lúc này nó được dùng để chở người. Thực sự là rất nguy hiểm khi bồng bềnh trên biển vào ban đêm với sóng dữ và rất khó xác định phương hướng; và càng nguy hiểm hơn trong điều kiện ban ngày vì máy bay Đức liên tục quần thảo trên không. Nếu bị phát hiện, chắc chắn sẽ là một thảm họa đối với chúng tôi", Bent kể lại.
Cả gia đình Bent khởi hành vào ban đêm. Có tất cả 19 người trên thuyền, nấp dưới sàn để đề phòng trường hợp máy bay của Đức Quốc xã phát hiện. Thời tiết ban đêm khá lạnh và sóng biển thì rất hung dữ. Mọi người bắt đầu cảm thấy khó chịu khi ở quá lâu trên con thuyền nhỏ bé, chật chội, thời gian dài đằng đẵng, mỗi phút tưởng như kéo dài hàng giờ.
Nhưng thực hiện việc chạy trốn thật không dễ dàng, dù đã phải trả 9.000 USD/người để có một vị trí trong chiếc thuyền đánh cá nhỏ này. Sau 8 giờ lênh đênh trên biển, chiếc thuyền chở gia đình Bent tưởng rằng sắp cập bến đến Thụy Điển. Tuy nhiên, điều khủng khiếp là trên thực tế, con thuyền của Bent đã khởi hành một vòng tròn chứ không phải về phía đông, hướng tới bờ biển Thụy Điển. Do đó, những người trên thuyền đã quay trở lại đúng nơi mà họ đã xuất phát. Nguyên nhân ở đây là do thuyền trưởng, vốn là một ngư dân, chưa bao giờ ra xa khỏi bờ biển và cũng không biết cách xác định phương hướng.
Sau khi phát hiện sự cố, những người chạy chốn quyết định thay nhau chèo thuyền về phía đông theo hướng mặt trời. Thật kỳ diệu, sau 18 giờ tiếp tục lênh đênh trên biển, họ đã đến được Lilla Beddinge, một ngôi làng đánh cá nhỏ trên bờ biển Thụy Điển. Một cậu bé 6 tuổi là Per - Arne Persson đã nhìn thấy và gọi mọi người ra giúp đỡ. Đến tháng 10/1943, tổng cộng có hơn 7.500 người Do Thái Đan Mạch đã vượt biển thành công sang Thụy Điển với cách làm tương tự như gia đình Bent.
Tất nhiên, không phải ai cũng đều may mắn trốn thoát, như trường hợp 80 người Do Thái trốn trong căn gác của một nhà thờ ở thị trấn phía bắc Gilleleje đã bị cơ quan mật vụ Đức Quốc xã bắt giữ vì cô hầu gái người Đan Mạch, vốn đính hôn với một lính Đức, đã tiết lộ vị trí của họ. Tất cả có khoảng 200 người Do Thái Đan Mạch đã bị quân Đức bắt lại trong khi tìm cách trốn và bị trục xuất về trại tập trung Theresienstadt mà ngày nay là Cộng hòa Séc.
Ngày 4/5/1945, Đan Mạch được giải phóng và những người Do Thái tị nạn được tự do trở về nhà. Bent cùng gia đình chuyển về căn hộ cũ của họ ở Copenhagen sau 19 tháng sống tị nạn tại Thụy Điển.
Cuộc sống sau đó trở lại nhịp điệu bình thường và Bent trở thành một thành viên cao cấp của Hội đồng người tị nạn Đan Mạch. Ông đã đi khắp thế giới kể lại câu chuyện của mình để nhắc nhở mọi người rằng, cuộc chiến về sự sinh tồn sẽ không bao giờ bị lãng quên. Per - Arne, cậu bé người Thụy Điển tại bãi biển năm nào, vẫn là một người bạn của ông cho đến hôm nay.
CT