Một nhân vật nặc danh, kẻ ưa đùa dai nhưng cũng là một thiên tài trào phúng. Nghệ nhân với những bình sơn xịt này là họa sĩ bị săn lùng gắt gao nhất thế giới. Còn tại nước Anh, Banksy được gọi là “Vua du kích” thoắt ẩn thoắt hiện với những tác phẩm tranh tường graffiti có một không hai.
Kỳ 1: “Phá hoại chấp nhận được”
Bức biếm họa cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill với kiểu đầu thổ dân Mohawk. |
Cho tới giờ, chưa ai biết tên thật của Banksy, họa sỹ đường phố có những bức tranh được định giá tới nửa triệu USD. Có một số người gọi đó là nghệ thuật đường phố, một số người gọi đó là graffiti nhưng chắc chắn một điều, đó là nghệ thuật của dân chúng, nghệ thuật không nằm trong những phòng tranh sang trọng hay những biệt thự của các ông chủ giàu có.
Banksy có rất nhiều người hâm mộ cũng như những người ghét mình, bởi tranh của anh thường mang các thông điệp chống lại chiến tranh hay những điều phi lý còn đang tồn tại trong xã hội. Vì việc vẽ tranh lên tường là phạm pháp nên Banksy bắt buộc phải giấu mặt. Tuy vậy, tranh của anh được bán cho khá nhiều người nổi tiếng (có cả các ngôi sao điện ảnh như Brad Pitt và Angelina Jolie).
Nghệ sĩ graffiti Banksy thích pizza, dù vậy thì sở thích lớn nhất của anh là gì, cũng chẳng ai xác định được. Banksy có một cái răng vàng, một chiếc răng bạc và thêm cả chiếc khuyên tai cũng bằng bạc. Anh là một nhà môi trường học vô chính phủ, thích lãng du trên một chiếc xe SUV. Banksy sinh năm 1978 hoặc 1974 tại Anh quốc. Là con trai của ông đồ tể và một bà nội trợ, hay đại loại là ông lái xe giao hàng và bà y tá.
Tác phẩm “để đời” của Banksy trên bức tường an ninh bê tông ở thành phố Bethlehem, khu Bờ Tây (Palextin). |
Trong một thời gian dài, Banksy từng sống ở Luân Đôn, nếu không thì Shoreditch, rồi Houston. Joel Unangst - người suýt chớp được cơ hội có một không hai để gặp Banksy hồi năm ngoái tại Los Angeles, khi nghệ sĩ này đến thuê một nhà kho để làm triển lãm - khẳng định rằng Banksy luôn mặc áo T-shirt, quần soóc và đi giày thể thao. Khi được hỏi rằng chiếc T-shirt đó có được trang trí gì không, Unangst thú nhận rằng nó thường được quệt những vệt sơn trắng.
Lĩnh vực sáng tạo lâu nay vẫn có những người làm việc trong bóng tối, những nhân vật mà danh tính của họ trong một thời gian dài chẳng ai biết được. Có thể vì nội dung gây tranh cãi của tác phẩm, lo ngại bị tẩy chay, hoặc không thích bị chê bai là dựa dẫm thân quen. Việc ẩn danh cho phép người ta tìm kiếm sự nổi tiếng trong khi vẫn tự bảo vệ mình trước những hệ lụy chẳng mấy tốt đẹp. Đánh đổi lấy việc từ bỏ uy tín của mình, anh ta lại giải phóng mình khỏi những trách nhiệm và nghĩa vụ của một tác giả. Banksy là một ví dụ như thế, anh không xuất hiện ở buổi khai trương triển lãm của mình, chẳng có mặt để hưởng sự tôn vinh thành quả của mình.
Banksy trở thành một cái tên quen thuộc, nhưng danh tính của anh đã trở thành chủ đề cho những cơn sốt đồn thổi khắp nước Anh. Có một điều chắc chắn là vào khoảng năm 1993, các bức họa graffiti của Banksy bắt đầu xuất hiện trên các toa tàu và bức tường khắp thành phố Bristol. Và tới năm 2001, bức tranh sơn xịt có chữ ký của Banksy đã tràn ngập khắp nước Anh, khuấy lên sự bực bội của cơ quan công quyền lẫn sự liên tưởng với nghệ sĩ graffiti như Jean Michel Basquiat hay Keith Haring trong thập kỷ 1980 ở Manhattan (Mỹ). Banksy chẳng bao giờ từ bỏ cái thói quen hoạt động một cách bí mật. Sự nặc danh được coi là khát vọng bẩm sinh của anh, nhưng cũng chỉ ở mức “phá hoại chấp nhận được” - như anh ta thích được gọi như thế - để tránh bị cảnh sát can thiệp.
Từ nhiều năm nay, Banksy luôn từ chối các cuộc phỏng vấn trực tiếp với báo chí. Một phong cách đặc biệt, đôi khi Banksy thích xuất hiện để thức tỉnh lương tri của công chúng. Đứng trước một mặt tường trống, anh ta sẽ cao hứng che phủ nó bằng những hoạt cảnh chống chế độ độc tài, như hình cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill với kiểu đầu thổ dân Mohawk. Chỉ với những bình sơn xịt cho những nét vẽ độc đáo đặc trưng và các họa tiết chân thực, hiệu quả nghệ thuật trong các bức tranh của Banksy đã đạt mức điêu luyện. Nguyên tắc thẩm mỹ của Banksy là rõ ràng và dễ hiểu, đó là những bức biếm họa xã hội khổ rộng được kết hợp hài hòa như kiểu một poster đầy sinh động. Như để minh chứng rằng thứ nghệ thuật đường phố này không thể “sớm nở chóng tàn”, Banksy đã cho ra mắt những cuốn sách ảnh về công việc của mình, cùng với thứ văn phong của riêng anh. Banksy đã tự phát hành được 3 tập sách. Cuốn mới nhất “Wall And Pieces” (Tường và tranh) của anh được Random House xuất bản và đã bán được hơn 250 bản.
Hồi năm 2005, Banksy tạt qua khu Bờ Tây, nơi anh ta vẽ tác phẩm “để đời” trên bức tường an ninh bê tông của Ixraen ở thành phố Bethlehem. Đó là bức tranh siêu thực vẽ hình một cái hang khám phá ra một bãi biển rực rỡ ở phía bên kia, trông như thể ai đó vừa đào thủng bức tường để dẫn tới thiên đường. Thật quá hài hước khi Banksy tự chế giễu cả cái tính cao đạo của mình. “Tôi chẳng quan tâm tới việc phải xuất đầu lộ diện”, Banksy nói, “Tôi nghĩ rằng trên đời này đã có quá đủ những kẻ cứng đầu cố tình muốn thò cái mặt xấu xí của họ ra trước công chúng”. Bất kể anh ta là ai, thì Banksy rất khoái cái cá tính đầy mâu thuẫn của mình. “Thế giới nghệ thuật đương đại là một trò lố lớn nhất trần đời”, Banksy nhận định trên trang web của mình, “Đó là nhà dưỡng lão cho những kẻ có quá nhiều đặc quyền đặc lợi, những kẻ kiêu căng và đớn hèn”. Dù vậy thì đã có lần Banksy tuyên bố rằng “bất cứ dạng nghệ thuật nào khác đem ra so sánh với graffiti sẽ là sự hạ thấp vị thế của các bức tranh tường”.
Trà My (Theo GQ)
Đón đọc kỳ cuối: Vị thánh bảo hộ Bristol