Xuyên Đảo Phương Tử, hay còn gọi là Kim Bích Huy, Kim Thành Tam, Kim Mộng Chi, tự Đông Trân, hiệu Thành Chi. Sinh năm 1906, sống vẻn vẹn trên đời 42 năm, nhưng người con gái có xuất thân quý tộc Trung Quốc ấy sớm trở thành thứ vũ khí bí mật của cơ quan tình báo Nhật Bản, để cuối cùng bị tòa án Trung Quốc kết tội bán nước, phải chịu mức án cao nhất: tử hình.
Xuyên Đảo Phương Tử lúc sinh thời |
Xuyên Đảo Phương Tử tên thật là Ái Tân Giác La Hiển Dư, là con thứ 14 của Túc thân vương dưới thời Mãn Thanh. Do từ nhỏ đã nhận Xuyên Đảo Lãng Tốc, cố vấn người Nhật Bản của triều đình Mãn Thanh làm cha nuôi, nên đổi tên thành Xuyên Đảo Phương Tử. Đáng ra, Xuyên Đảo Phương Tử phải sớm an phận nữ nhi như bao cô gái đài trang khuê các khác. Nhưng với phong cách mạnh mẽ, bất chấp vẻ ngoài đầy quyến rũ và nề nếp gia giáo phong kiến, Xuyên Đảo Phương Tử sớm tuyên bố đoạn tuyệt cùng nữ tính, bắt đầu cuộc sống lang bạt kỳ hồ, đi theo tiếng gọi của bản năng.
Trong cuốn nhật ký của mình, Xuyên Đảo Phương Tử thổ lộ: "Tôi hận đàn ông" và tỏ rõ ý muốn báo thù đàn ông, báo thù thế giới. Ôm mối hận ấy trong lòng, Xuyên Đảo Phương Tử lao tới, hạ gục hết người đàn ông này đến người đàn ông khác. Tất nhiên, để phục vụ nhiệm vụ tình báo được giao, những người đàn ông đi qua trong đời Xuyên Đảo Phương Tử đều thuộc hạng đức cao vọng trọng, có quyền, có chức. Họ, hầu hết, đều không thoát khỏi sức hấp dẫn đầy ma lực của Xuyên Đảo Phương Tử. Sau những ánh mắt đong đưa, lơi lả, những chiếc hôn riết bỏng, những cái ôm nồng cháy và những cuộc mây mưa đến cuối đất cùng trời, Xuyên Đảo Phương Tử đã thu về không chỉ là tiền, mà cả các bản tin tình báo đầy giá trị. Nhờ đó, Xuyên Đảo Phương Tử liên tục nhận được nhiều phần thưởng và được tình báo Nhật Bản thăng cấp.
Xuyên Đảo Phương Tử sau khi bị xử tử. |
Có thể nói, Xuyên Đảo Phương Tử đã phát huy tốt vai trò quan trọng của mình trong cuộc chiến nhằm vào Trung Quốc do Nhật Bản phát động. Nữ điệp viên này tham gia vào hầu hết những hoạt động bí mật quan trọng tiến hành trong thời gian Nhật Bản xâm lược Trung Quốc, bao gồm cả việc góp phần cho ra đời Mãn Châu quốc, một quốc gia bù nhìn ở Mãn Châu và phía đông Nội Mông, gây ra sự kiện 18/9/1931 (xung đột chính trị và quân sự giữa quân Đông Bắc của Trung Quốc và quân Quan Đông của Nhật Bản)… Ngoài ra, Xuyên Đảo Phương Tử còn đích thân đạo diễn sự kiện 28/1/1932 (quân Nhật từ khu vực tô giới tấn công khu vực Hạp Bắc ở Thượng Hải) gây chấn động dư luận trong, ngoài Trung Quốc, trực tiếp chỉ huy chiến dịch giải cứu Hoàng hậu Thu Hồng của "Mãn Châu đế quốc".
Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản đầu hàng, cũng như nhiều tên Hán gian khác, Xuyên Đảo Phương Tử bị bắt và đưa ra xét xử. Ngày 5/10/1947, tòa án cấp cao Bắc Bình ra phán quyết: 1/ Bị cáo (Xuyên Đảo Phương Tử) tuy mang hai quốc tịch (Trung Quốc và Nhật Bản), nhưng bố là Túc thân vương, nên rõ ràng là người Trung Quốc và phải bị xử lý về tội làm Hán gian. 2/ Bị cáo có quan hệ qua lại thân thiết với những nhân vật quan trọng trong quân đội Nhật, tiến hành hoạt động gián điệp dưới lốt "nam giới" trong sự kiện 28/1/1932, dẫn tới sự kiện Thượng Hải. 3/ Bị cáo tham dự vào các hoạt động chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền ngụy Mãn Châu và đưa Phổ Nghi cùng gia quyến ra khỏi Thiên Tân. 4/ Bị cáo có sự qua lại lâu dài với quân Quan Đông và được phong làm "Tư lệnh an quốc quân". Ngày 25/3/1948, với tội danh bán nước, bản án tử hình đối với Xuyên Đảo Phương Tử đã được thực thi, đặt dấu chấm hết bi thảm cho một nữ điệp viên được mệnh danh là "Mata Hari của Viễn Đông".
Minh Thành (Tổng hợp)
Đón đọc kỳ sau: Josephine Baker -điệp viên sơn ca