Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai Giải thưởng cao quý thuộc lĩnh vực KHCN do Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả các công trình có giá trị cao về KHCN và thực tiễn.
Các công trình được giải thưởng lần này là những công trình xuất sắc, được lựa chọn từ 61 công trình khoa học được đề nghị xét tặng Giải thưởng đợt 5 với sự làm việc khách quan, nghiêm túc, công tâm của Hội đồng chuyên ngành gồm 200 nhà khoa học uy tín.
Theo đánh giá của Hội đồng giải thưởng, trong đợt xét tặng này có nhiều điểm mới như: Quy trình xét tặng chặt chẽ hơn khi phải cập nhật những văn bản pháp luật mới, trong đó có Luật KHCN; mỗi công trình chỉ được lựa chọn một lần theo Nghị định 78/NĐ-CP. Đặc biệt, lần này nhiều công trình của các đơn vị, doanh nghiệp ngoài công lập cũng được đề xuất xét tặng tạo nên sự đa dạng của các đối tượng tham gia.
Đặc biệt, có nhiều công trình có các tác giả có tuổi đời còn rất trẻ, trung bình dưới 40 tuổi như công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam”
Theo GS. TSKH Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng cấp nhà nước xét tặng Giải thưởng đánh giá: "Các công trình được xét tặng Giải thưởng lần này đều là những công trình xứng đáng là diện mạo của khoa học Việt Nam trong thời gian qua. Tiêu biểu như cụm công trình “Các bất biến và cấu trúc của vành địa phương và vành phân bậc” thuộc lĩnh vực toán học do nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ngô Việt Trung đã được công bố trong hơn 200 bài báo trên các tạp chí quốc tế có uy tín.
Hay công trình “Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạnh” thuộc lĩnh vực y học do Giáo sư Phạm Minh Thông chủ trì; hay cụm “Công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do Giáo sư Mai Trọng Khoa chủ trì đều đã đạt tới những công nghệ tiên tiến nhất của y học thế giới hiện nay".
Giá trị thực tiễn ngày càng cao
Điểm nổi bật của các công trình được xét tặng đợt này là tính thực tiễn cao, mang đến hiệu quả kinh tế xã hội, có ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài trong đời sống.
GS.TSKH. Đặng Văn Bát, thành viên Hội đồng cấp Nhà nước cho biết: “Nhiều công trình được Giải thưởng đợt này đã được người dân biết đến và khẳng định giá trị như: Cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu” của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo đã đưa ra đồng bộ các giải pháp công nghệ để bảo vệ môi trường phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; cụm công trình “Cầu Hàm Luông” trên quốc lộ 60 của tỉnh Bến Tre đã áp dụng những công nghệ mới xây dựng cầu với khẩu độ nhịp chính lên đến 150m - đạt kỷ lục ở Việt Nam đã nối liền Bến Tre với các tỉnh lân cận…
Những công trình này đã mang lại lợi ích rất lớn, thiết thực cho nhân dân, cải thiện đời sống cho đồng bào. Nhiều công trình cũng đã tạo được hiệu ứng xã hội rất tốt và sẽ có tác động rất lớn đối với hoạt động KHCN nước nhà”.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã góp phần khuyến khích, tạo động lực và là phần thưởng danh giá nhất đối với các nhà khoa học. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN được ví như giải thưởng Nobel của Việt Nam góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.