Theo kênh CNBC, cách đây hơn hai năm, doanh nhân công nghệ Ben Lamm đã gặp nhà di truyền học Harvard nổi tiếng George Church ở phòng thí nghiệm của ông tại Boston (Mỹ). Cuộc nói chuyện của họ là chất xúc tác để thành lập công ty khởi nghiệp Colossal, vừa ra mắt ngày 13/9.
Mục tiêu tham vọng và có phần “điên rồ” của Colossal là tạo ra một loài vật hoàn toàn mới giống loài voi ma mút khổng lồ bằng kỹ thuật can thiệp gien trên loài voi châu Á để nó có thể chống chịu nhiệt độ ở Bắc Cực.
Dự án đã được khởi động khoảng vài năm nhưng không ai tài trợ đủ vốn để thực hiện. Giờ đây, công ty đã có khoản 15 triệu USD tiền gọi vốn từ nhiều nhà đầu tư. Tổng giám đốc điều hành của Colossal chính là Lamm.
Giáo sư Church là một nhà di truyền học nổi tiếng tại Đại học Harvard và có hơn 100 bằng sáng chế. Cho tới nay, tham vọng hồi sinh voi ma mút của ông Church mới chỉ là giấc mơ.
Với dự án của công ty Colossal, có thể mất 6 năm để tạo ra một con voi ma mút con.
Những người ủng hộ dự án cho rằng “tái hoang dã” Bắc Cực bằng loài voi ma mút có thể làm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu bằng cách làm giảm quá trình tan băng vĩnh cửu mà bên trong có nhiều khí mê tan.
Voi ma mút hầu như đã tuyệt chủng cách đây 10.000 năm. Quần thể cuối cùng tồn tại cách đây 4.000 năm.
Về mặt gien, voi ma mút khá giống voi châu Á. Ông Church nói: “Voi châu Á là loài đang lâm nguy và chúng tôi muốn bảo tồn loài này. Có hai điều khiến loài này lâm nguy. Thứ nhất là virus herpes. Thứ hai là sống gần con người. Vì thế chúng tôi muốn giải quyết cả hai vấn đề này và cho chúng một ngôi nhà mới, nơi có rất nhiều không gian và gần như không có người, như ở miền bắc Canada, Alaska và Siberia”.
Mục tiêu của Colossal là tạo ra một con voi châu Á đã được chỉnh sửa gien, có khả năng kháng virus herpes và chống chọi thời tiết băng giá. Con voi ma mút con sẽ có hình dạng và hành vi như voi ma mút.
Nghe có vẻ như chuyện khoa học viễn tưởng nhưng ông Church cho biết ông tự tin rằng ông sẽ có thể chỉnh sửa gien voi châu Á vì ông đã từng làm điều tương tự ở lợn – loài mà ông đã sửa gien 42 lần trong tế bào.
Ông nói: “Sau đó, chúng tôi có thể đưa những tế bào này vào con vật bằng cách đưa nhân, phần chứa ADN của tế bào, vào trứng rồi phát triển thành lợn con”. Ông cho cho biết lợn chỉnh sửa gien đủ khỏe mạnh để được dùng trong cấy ghép các bộ phận trong thử nghiệm tiền lâm sàng. Theo ông Church, có thể dùng công nghệ trên cho voi.
Trước tiên, voi chỉnh sửa gien sẽ được đưa vào một tử cung kỹ thuật, sau đó nó sẽ phát triển trong một túi giống như tử cung nhân tạo mà các nhà khoa học từng dùng để nuôi cừu năm 2017.
Colossal muốn phối hợp với các nhà khoa học Nga để nuôi voi ma mút trong công viên Pleistocene, một khu bảo tồn thiên nhiên ven sông Kylyma ở đông bắc Siberia. Mục đích là để ma mút trở thành một phần trong kế hoạch dài hạn nhằm khôi phục vùng lãnh nguyên về tình trạng thời tiền sử, tức là có cỏ thay vì cây.
Nếu những con voi ma mút hồi sinh này có thể sinh sôi ở Bắc Cực, chúng sẽ giúp giảm số lượng cây và làm cho cỏ sinh sôi trở lại. Cỏ phản chiếu ánh nắng tốt hơn các thân cây tối màu đang sống ở đó. Ngoài ra, voi ma mút có thể làm cho tuyết được lèn chặt hơn, giảm khả năng bị tan chảy.
Thảm cỏ lãnh nguyên này sẽ làm mát hệ sinh thái, từ đó giảm tình trạng thải ra khí mê tan nằm sâu trong băng vĩnh cửu – một nhân tố chính khiến toàn cầu ấm lên.
Nếu số mê tan trong băng đó thoát ra ngoài, nó sẽ gây tình trạng ấm lên toàn cầu tồi tệ hơn so với CO2 tới 30 lần.