'Cấp đại học mới được học về trí tuệ nhân tạo là quá muộn'

Việc đầu tư phát triển trí tuệ nhân tạo cần nhấn vào những mũi nhọn trọng tâm, trong đó cần đẩy mạnh vào lĩnh vực ứng dụng thực tế đào tạo sớm hơn kiến thức về AI.

Chú thích ảnh
TS. Lê Viết Quốc chia sẻ tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2018. Ảnh: TTXVN

Nhân lực, hạ tầng còn mỏng

Trong những năm gần đây, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng được nhắc tới nhiều và đã được đẩy mạnh triển khai việc nghiên cứu, ứng dụng. Tuy nhiên để bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới, Việt Nam vẫn cần những bước đi dài.

Nói về bức tranh tổng quan của lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Hiện Việt Nam có tổng cộng 11 đơn vị nghiên cứu; trong đó có 1 đơn vị Viện là Viện Hàn lâm AI Academy và 10 trường Đại học nghiên cứu về lĩnh vực nào; các sản phẩm cũng đã có rất nhiều, trải rộng khắp cả nước như: Công nghệ nhận dạng, dịch dựa trên cú pháp…

Việt Nam cũng đã hình thành được cộng đồng AI startup với nhiều startup nổi bật trong lĩnh vực này mà nổi bật là: Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ. Bên cạnh đó, việc đào tạo môn trí tuệ nhân tạo cũng đã được giảng dạy ở các trường đại học từ những năm 1975- 1977 với tên gọi môn “trí khôn nhân tạo”, sau 40 năm thay đổi không chỉ tên môn mà cả nhân thức cộng đồng về trí tuệ nhân tạo. Thậm chí các trường như: ĐH Bách khoa TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội… cũng đã có những trung tâm tính toán khá mạnh, một điều kiện để đảm bảo cho việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Đặc biệt vừa qua, việc khởi động xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa cũng được coi như một cú khởi động có tính chât toàn quốc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực tạo nên hạ tầng dữ liệu rất lớn.

Tuy đã có những thành tựu bước đầu, nhưng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vẫn còn là lĩnh vực đang chờ cơ hội bứt phá ở Việt Nam.

Theo đánh giá của TS. Lê Viết Quốc, (Google Brain (Mỹ): Hiện ở Việt Nam, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vẫn chưa hoàn chỉnh, mới chỉ là một phân ngành còn đang phải nghiên cứu. Một số mảng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh; mảng data- dữ liệu vẫn mất nhiều thời gian để tải, cần nghiên cứu để tải dữ liệu nhanh hơn…

Cũng theo TS. Quốc, nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực AI vẫn còn khá “mỏng” khi nhu cầu thực tế hiện đòi hỏi khoảng 1 triệu nhân lực chất lượng rất cao thì Việt Nam hiện mới chỉ đáp ứng khoảng 10.000 người. Trong khi đó, việc đầu tư nghiên cứu cơ bản vẫn còn rất dàn trải, có nhiều Viện, trường đại học nghiên cứu nhưng chưa có điểm nhấn.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng cơ sở về hạ tầng tính toán ở Việt Nam cũng chưa thực sự được chú trọng, các dự án với chi phí rất nhỏ, thậm chí chỉ tiền mua máy tính đã gần hết. Để xây dựng được phải tập trung trang bị ở các trường đại học lớn, và phải là ở các trường đại học, nơi có nhiều sinh viên tài năng nghiên cứu từ cơ bản đến ứng dụng.

Nên giảng dạy trí tuệ nhân tạo sớm hơn

Các nhà khoa học cho rằng, để phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam không nên quá chú trọng vào khâu đào tạo vì các nước tiên tiến trên thế giới đã đi quá xa trong lĩnh vực này; mà nên tập trung mũi nhọn vào việc ứng dụng thực tiễn và tập trung hướng giảng dạy sớm cho học sinh các kiến thức về AI.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cần phải thay đổi chương trình. Cụ thể, thay vì học khoa học máy tính cơ bản như trước kia, nên chuyển qua khoa học vệ tinh dựa trên dữ liệu vệ tinh, thay vì học những chương trình về thuật toán nên chuyển qua học về máy học hoặc trí tuệ nhân tạo… Đặc biệt, cần phải tăng cường chương trình học về trí tuệ nhân tạo từ cấp phổ thông trung học.

Từng giảng dạy trí tuệ nhân tạo cho học sinh cấp 3 tại Nhật Bản, TS. Nguyễn Xuân Phong (Trung tâm nghiên cứu Tập đoàn HITACHI Nhật Bản) chia sẻ: “Tôi thấy học sinh cấp 3 hoàn toàn có thể tiếp xúc với những kiến thức cơ bản về AI, có thể phổ cập các kiến thức này một cách rất đơn giản, nhẹ nhàng và chỉ cần xây dựng ý thức rằng AI hiện đang là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới và hoàn toàn có thể bắt đầu từ những môn học cơ bản trong nhà trường.

Cũng theo TS. Phong, thậm chí Việt Nam nên có chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực như: Giáo dục, đầu tư, y tế, nông nghiệp… giống như nhiều nước khác đã làm thành công; trong đó cần có những điểm nhấn mũi nhọn.

“Ở Việt Nam, cần có sự nhìn nhận đánh giá lại những ngành thế mạnh như nông nghiệp, y tế hoặc ngư nghiệp… có thể nhìn vào đó và sử dựng AI như công cụ để nâng tầm giá trị của các sản phẩm, lĩnh vực đó. Chẳng hạn AI hoàn toàn có thể giúp cho cây trái có thể năng suất hơn, con người làm việc đỡ mệt nhọc và hiệu quả hơn… Thậm chí ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào còn có thể nâng tầm nông nghiệp của Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới” TS. Phong đánh giá.

TS. Trần Đặng Minh Trí (Harrison-AI, Úc) cũng cho rằng: "Trong thời đại AI, ngành y tế luôn được coi là lĩnh vực có tiềm năng ứng dụng AI cao nhất. Ở Việt Nam, với số lượng bệnh nhân khổng lồ, mỗi bệnh viện tạo ra hàng ngàn điểm dữ liệu (hình ảnh chụp X-Ray MRI, CT, các xét nghiệm cận lâm sàng, thông tin bệnh lý). Đây chính là kho vàng để phát triển công nghệ AI chẩn đoán bệnh cho tương lai. Muốn vậy các cơ quan, bệnh viện, công ty công nghệ, các nhà nghiên cứu AI cần ngồi lại với nhau để khai thác kho vàng này đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong về AI trong những năm tới.

Trí tuệ nhân tạo (tiếng Anh là Artificial Intelligence - AI) là trí tuệ do con người tạo nên cho máy móc với mục tiêu giúp chúng có các khả năng của trí tuệ và trí thông minh của con người.
Ngày nay, AI đang hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới với những ứng dụng trải khắp trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở Việt Nam, nhiều nhóm nghiên cứu về AI đã đạt được những thành tựu nhất định trong quá trình nghiên cứu, tiêu biểu có thể kể đến các ứng dụng như dịch máy tự động, nhận dạng đối tượng qua camera... giúp hỗ trợ, cải thiện đáng kể hiệu quả công việc, tiết kiệm sức lao động và giúp con người đưa ra những quyết định đúng đắn hơn. AI cũng đang có những ảnh hưởng nhất định tới các khía cạnh từ kinh doanh sản xuất tới y tế, giáo dục, giao thông vận tải, nông nghiệp,...

 

Tạ Nguyên/Báo Tin tức
VinaPhone diễn tập chuyển đổi thành công thuê bao 11 số sang 10 số
VinaPhone diễn tập chuyển đổi thành công thuê bao 11 số sang 10 số

VinaPhone vừa tổ chức diễn tập chuyển đổi thành công mã mạng 11 số về 10 số. Đây được coi là "bước đệm” để chuẩn bị tốt nhất cho đợt chuyển đổi chính thức sẽ diễn ra từ ngày 15/9.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN