Hàng loạt “ông lớn” của báo chí thế giới như Reuters (Anh), Washington Post hay New York Times (Mỹ) đã sớm nhanh nhạy đi những bước tiên phong trong việc đưa AI vào đời sống báo chí.
Việc sử dụng các phần mềm chuyển đổi giọng nói thành văn bản hay tự động trả lời thư điện tử đã trở thành phổ biến. Vài năm trở lại đây, trong thế giới truyền thông, có lẽ AI đã vượt quá phạm vi “một xu thế mới” để chính thức trở thành “một phương thức mới”, “một công cụ mới” hỗ trợ hay thậm chí là trực tiếp sản xuất các sản phẩm báo chí, cũng như giúp đẩy nhanh việc phân tích-nghiên cứu và tham khảo dữ liệu thông tin báo chí.
Ban đầu, nhiều câu hỏi được ra như AI sẽ được áp dụng vào lĩnh vực báo chí như thế nào, các ứng dụng AI đóng vai trò trong công đoạn nào của hoạt động báo chí hay liệu AI có “cướp công ăn việc làm” của các nhà báo hay không? Ông Francesco Marconi, Giám đốc một công ty hàng đầu về tự động hóa và AI, đánh giá “AI là xu thế tất yếu trong sự phát triển và thay đổi như vũ bão hiện nay của báo chí thế giới. Song AI không phải được tạo ra nhằm thay thế con người, mà AI giúp con người giải phóng sức lao động để dành thời gian cho các việc khác, qua đó nâng cao hiệu quả lao động”. 5 năm qua, các hãng thông tấn và tờ báo hàng đầu thế giới đã thành công trong việc áp dụng AI và họ đang vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về sự thay đổi của tương lai báo chí thế giới trong 5 năm tới.
Những bước đi đầu tiên trong việc ứng dụng AI vào báo chí của Reuters, AP, New York Times hay The Guardian cho thấy AI có thể hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động báo chí như thế nào. Công cụ Juicer của BBC có thể giúp các nhà báo đồ họa hóa tác phẩm một cách nhanh chóng. News Tracer của Reuters tạo cơn sốt khi trở thành ứng dụng cập nhật thông tin nóng (breaking news). Ứng dụng Editor đang giúp tờ New York Times đẩy nhanh việc nghiên cứu và phân tích dữ liệu thông tin với khối lượng khổng lồ như hiện nay. Tờ Washington Post lại “nổi đình nổi đám” với ứng dụng Knowledge Map giúp các thông tin có thể tương tác với nhau nhanh chóng và hiệu quả. “Người khổng lồ” mạng xã hội thế giới Facebook đi theo hướng sử dụng các ứng dụng AI nhằm phát hiện các nội dung thông tin để nhanh chóng truy tìm các thông tin giả mạo (fake news).
Vào năm 2015, tờ New York Times triển khai một dự án thử nghiệm AI có tên gọi Editor. Mục đích của dự án là hướng tới việc đơn giản hóa qui trình làm báo. Khi viết một bài báo, nhà báo có thể sử dụng các dòng nổi bật để nhấn mạnh các điểm nhấn của bài viết. Qua thời gian, máy tính có thể nhận diện những dòng nổi bật này và đưa vào bộ nhớ những nội dung quan trọng nhất của bài viết. Thông qua việc nghiên cứu dữ liệu dự trên thu thập thông tin về sự kiện, đối tượng, thời gian hay địa điểm, ứng dụng Editor có thể giúp độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin hơn, đơn giản hóa việc nghiên cứu-phân tích dữ liệu và cung cấp một công cụ kiểm tra chéo thông tin nhanh chóng, chính xác.
New York Times cũng đang sử dụng AI như là một cách tiếp cận độc đáo nhằm kiểm soát các bình luận của độc giả, khuyến khích các cuộc thảo luận mang tính xây dựng và ngăn chặn những thông tin “độc” trên trang mạng của báo. Trước đây, tờ nhật báo hàng đầu nước Mỹ này phải cần tới một nhóm khoảng 14 người để điều hòa, kiểm soát khoảng 11.000 bình luận mỗi ngày của độc giả. Hiện nay, New York Times đang thử nghiệm ứng dụng Editor trong việc “làm mềm hóa” các bình luận và giúp người đọc có thể dễ dàng tham gia các cuộc tranh luận hơn trên trang chủ.
Là hãng truyền thông hàng đầu thế giới, với khối lượng thông tin dữ liệu khổng lồ mỗi ngày từ các câu chuyện, sự kiện, ảnh và video, trong đó có các thông tin chính phủ và Internet, BBC mong muốn liên kết tất cả khối dữ liệu này với nhau theo một cách có thể giúp dễ dàng truy cập và hiệu quả hơn. Xuất phát từ ý tưởng đó, vào năm 2012, BBC News Labs đưa vào sử dụng công cụ Juicer. Ứng dụng này theo dõi khoảng 850 nguồn tin trên khắp thế giới để tập hợp và phát hiện các tin bài mới từ BBC và các nguồn tin bên ngoài. Nguyên lý hoạt động của ứng dụng AI này nằm ở 4 lĩnh vực: tổ chức, địa điểm, con người và sự kiện.
Hãng Reuters thậm chí còn táo bạo hơn với Lynx Insight, một ứng dụng AI mới được kỳ vọng sẽ bùng nổ trong ngành báo chí thế giới thời gian tới. Ứng dụng AI này giúp các nhà báo phân tích dự liệu, hình thành các ý tưởng và thậm chí còn viết được một bài báo dạng đơn giản. Lynx Insight đang được hàng loạt phóng viên-biên tập viên Reuters sử dụng.
Washington Post, nhật báo có số lượng bản in hàng đầu của Mỹ, cũng gặt hái được thành công bước đầu với thử nghiệm ứng dụng tự động viết tin Heliograf, mà đôi lúc được ví von là “rô-bốt báo chí” hay “báo chí tự động”. Heliograf được cho trình làng khi tham gia chiến dịch thông tin tại Thế vận hội Mùa hè 2016 (Olympics 2016) tại Brazil. Thời đểm đó, báo giới đã sửng sốt khi thấy cách Heliograf tập hợp thông tin thông qua phân tích dữ liệu. Các thông tin thu thập được nếu “khớp” với “bài viết mẫu” sẽ được dùng để tự động viết thành một bài tường thuật rồi phát trên các nền tảng thông tin khác nhau. Tại Olympics 2016, Heliograf đã “hoàn thành xuất sắc” việc tự động cập nhật thông tin về tỷ số hay bảng xếp hạng huy chương. Chưa dừng lại ở đó, phần mềm này còn biết cảnh báo các nhà báo những thông tin bất thường.
Trước xu thế tinh giản biên chế tòa soạn hiện nay, trong khi lượng tin bài và sự kiện lại tăng theo cấp số nhân, ngành báo chí thế giới đang có một điểm tựa mới đó chính là AI. Các hãng cũng đang tích cực phát triển các ứng dụng AI để tương thích với các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Pinterest và LinkedIn.
Trí tuệ nhân tạo đang tạo ra một cuộc cách mạng đối với lĩnh vực báo chí truyền thông. Ưu điểm của AI là điều thấy rõ và đây là xu thế tất yếu trong tương lai. Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi AI vào báo chí vẫn còn đó không ít thách thức. AI – hay còn gọi là rô-bốt báo chí – tức là trí tuệ nhân tạo về bản chất vẫn là máy móc và tất nhiên gặp khó khăn về vấn đề nhận thức. AI mới tạm thời “đưa tin” sự kiện xảy ra, chứ chưa thể giải thích hay bình luận vấn đề. Một trong những rào cản khác là bài báo do AI tạo ra cần phải có “bài mẫu”. Điều đó đồng nghĩa với việc AI có thể hoàn toàn “mù màu” với những thông tin thuộc dạng phi cấu trúc hay phi truyền thống. Ngoài ra, AI sẽ gặp thách thức lớn trong việc xác định độ chính xác của thông tin đầu vào. Nếu thông tin đầu vào sai, tác phẩm báo chí của AI sẽ sai toàn diện.
Và cuối cùng, thách thức lớn nhất của AI chính là tính sáng tạo, bản chất nhân văn, nhân đạo cao cả của một tác phẩm báo chí đích thực. Báo chí là một loại hình lao động đặc biệt, ở đó không chỉ đòi hỏi những người làm báo phải tích lũy cho mình một bề dày kiến thức phong phú, một trí tuệ sắc sảo, mà nhà báo còn phải là những con người nhân văn, tác phẩm báo chí phải hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ của xã hội.
Trước xu thế phát triển như vũ bão hiện nay của khoa học công nghệ, AI có một tương lai tươi sáng trong lĩnh vực báo chí. Song chắc chắn con người, hay nói một cách khác là các nhà báo, vẫn sẽ giữ vị trí trung tâm không thể thay thế của nghề cao quí này.