Chia sẻ và kết nối để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

Ngày 15/12, trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, các hội nghị chuyên đề chuyển đổi số trong 3 lĩnh vực y tế, tài chính ngân hàng và doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo đại biểu tham dự. 

Chú thích ảnh
Khách tham quan triển lãm sản phẩm công nghệ tại Diễn đàn. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Khát khao chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo khảo sát của VINASA, hiện nay có khoảng 15% doanh nghiệp trong cả nước đang thực hiện chuyển đổi số. Có 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát đang gặp khó khăn về vốn. Do đó, chuyển đổi số vẫn là "khao khát" chưa dám thực hiện của khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2021-2025, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội và không ít thách thức khi chuyển đổi số. So sánh các tiêu chí về kỹ thuật, băng thông rộng, nền tảng cộng nghệ, mạng và thiết bị 5G…, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Ernst & Young khẳng định: Cơ hội chuyển đổ số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đến. Nếu không tận dụng thời cơ này thì các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tụt hậu, thậm chí là có thể bị loại bỏ.

Chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ mới là cơ hội cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển nhanh hơn, gia tăng lợi ích kinh tế, hạn chế chi phí đầu vào, phát triển bền vững trong môi trường số. Để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả hơn, ngày 3/12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án "Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa" (LinkSME) nhằm triển khai chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến năm 2025, sẽ có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cổng thông tin digital.business.gov.vn là một kênh thông tin góp phần chuyển tải kiến thức về chuyển đổi số, công cụ cung cấp kiến thức đào tạo, hoạt động của chương trình. Nền tảng này kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số đăng ký tại đây.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi chuyển đổi số cần sử dụng công nghệ số như là một dịch vụ để chuyển đổi số nhanh chóng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chọn lọc, bảo trợ và giới thiệu rất nhiều nền tảng, sản phẩm công nghệ "Make in Việt Nam" để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham khảo, lựa chọn. Đây là những sản phẩm có chi phí hợp lý, đảm bảo an toàn thông tin, phù hợp với đặc thù của Việt Nam...

Y tế thông minh là tất yếu

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, y tế là lĩnh vực đặc thù với kho dữ liệu khổng lồ, bởi mỗi người dân sẽ là một ô trong kho dữ liệu chung. Thời gian COVID-19 vừa qua khẳng định, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành các công đoạn khám chữa bệnh, hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh là tất yếu.  Y tế là ngành có tác động trực tiếp đến người dân nên đối tượng và dịch vụ cung cấp của các cơ sở y tế cần thay đổi. Các dịch vụ y tế truyền thống cần chuyển sang các dịch vụ y tế số, hoạt động trên nền tảng dữ liệu số để nâng cao chất lượng chất lượng khám chữa bệnh.

Tầm nhìn của chuyển đổi số trong ngành y tế tới năm 2030 là ứng dụng công nghệ số trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ, hình thành nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh, khám chữa và quản trị y tế thông minh. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều bất cập, tồn tại trong các đơn vị, cơ sở y tế, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó, thực trạng nổi bật là việc quản lý thời gian, lịch khám bệnh của bệnh nhân chưa hợp lý, dẫn đến việc người bệnh tập trung đi khám buổi sáng, bác sỹ bị quá tải, người bệnh phải chờ đợi lâu. Việc quản lý hồ sơ bệnh nhân chưa thành hệ thống, không liên thông, thậm chí thông tin bệnh bị "cắt nát", lưu giữ ở các cơ sở khác nhau dẫn đến lãng phí kết quả. Đồng thời, các cơ sở y tế cần ứng dụng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, liên thông để hạn chế thời gian, tiết kiệm chi phí… Trong khám bệnh từ xa, cần xây dựng tiêu chuẩn quản lý chất lượng từ khâu chẩn đoán bệnh, lên phác đồ điều trị, theo dõi quá trình…, pháp lý hóa việc trao đổi giữa bác sỹ và bệnh nhân. 

Chuyển đổi số là tất yếu trong ngành y tế. Để chuyển đổi số thành công, có hệ thống, Bộ Y tế cần phát huy hơn nữa vai trò chỉ đạo, điều hành, điều phối các công đoạn trong quá trình chuyển đổi. Hiện nay có rất nhiều nền tảng số có thể hỗ trợ, giảm các công đoạn, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng các cơ sở y tế trong việc chuyển đổi số...

Ngọc Bích (TTXVN)
Chuyển đổi số Quốc gia: Chia sẻ và kết nối
Chuyển đổi số Quốc gia: Chia sẻ và kết nối

Chiều 14/12, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã khai mạc tại Hà Nội. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin & Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp tổ chức; dưới sự bảo trợ và chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự ủng hộ và bảo trợ của Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Ngân hàng nhà nước cùng sự phối hợp của 11 hiệp hội ngành nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN