Hai nhà mạng hàng đầu của Mỹ 'tẩy chay' quảng cáo trên YouTube

Hai nhà mạng hàng đầu nước Mỹ là AT&T và Verizon tuyên bố rút các quảng cáo trên các sản phẩm của "gã khổng lồ" công nghệ Google.

Verizon là một trong hai nhà mạng đã nói "không" với quảng cáo Google.

Động thái tiếp nối làn sóng "tẩy chay" dịch vụ quảng cáo của Google tại Anh, của hai nhà mạng Mỹ xuất phát từ lý do hai nhà mạnh này không muốn thương hiệu của mình xuất hiện bên cạnh các nội dung quảng cáo không phù hợp.

Trong một tuyên bố ngày 22/3, AT&T đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về nguy cơ những quảng cáo của tập đoàn này có thể hiện thị cạnh những đoạn video chứa đầy các nội dung thù địch và cực đoan trên YouTube, trang chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới thuộc quyền quản lý của Google. Hãng này cũng cho biết đang rút các quảng cáo tự hiển thị trên các sản phẩm của Google.

Trong khi đó, Verizon cũng cho biết đã phát hiện một số quảng cáo của hãng xuất hiện trên "các trang web chưa được phê duyệt" và công ty sẽ triển khai "những biện pháp thận trọng nhằm đảm bảo thương hiệu không bị ảnh hưởng tiêu cực".

Người phát ngôn của Verizon cho biết hãng này đã mở một cuộc điều tra về vấn đề trên, cũng như tích cực hợp tác với tất cả các đối tác quảng cáo kỹ thuật số để có biện pháp ngăn chặn điều tương tự tái diễn trong tương lai.

Về phần mình, dù không đưa ra bình luận nào về những động thái mới nhất trên, song Google khẳng định đang tiến hành xem xét toàn diện các chính sách quảng cáo của hãng. "Gã khổng lồ" công nghệ cũng cho biết đã cam kết có sự thay đổi nhằm đảm bảo các khách hàng được trao quyền kiểm soát lớn hơn và được quyết định vị trí đặt quảng cáo, cũng như kiểm soát những nội dung xấu, mang tính kích động.

Hồi tuần trước, Chính phủ Anh và hàng loạt tập đoàn hàng đầu ở nước này - bao gồm thương hiệu thời trang Marks and Spencer, Ngân hàng HSBC, hãng tin BBC, tập đoàn báo chí Guardian và thương hiệu McDonald UK - đã đồng loạt rút quảng cáo trên các sản phẩm của Google sau khi quảng cáo của họ hiển thị cạnh những nội dung cực đoan.

Một báo cáo do tạp chí Times công bố cho biết đã phát hiện hơn 200 video mang nội dung phân biệt người Hồi giáo và Arab xuất hiện trên các sản phẩm của Google và có 6 video đã không được gỡ bỏ trong vòng 24 giờ theo như quy định Liên minh châu Âu (EU).


Google sau đó đã phải gửi lời xin lỗi tới khách hàng, đồng thời khẳng định sẽ thắt chặt giám sát để ngăn chặn các thông tin mang tính thù hận, gây hấn và xúc phạm xuất hiện trên các sản phẩm của hãng. Đại diện của Google, ông Philipp Schindler, cam kết Google sẽ bổ sung nhân lực cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến để rà soát và ngăn chặn các nội dung quảng cáo không phù hợp.

Đặc biệt, Google sẽ thắt chặt hơn công tác sàng lọc các nội dung trên YouTube.

Để mất quảng cáo có thể gây tổn hại nặng nề tới hoạt động của Google. Theo số liệu chưa được kiểm toán của Alphabet - công ty mẹ của Google, thu nhập từ quảng cáo chiếm tới 86% trong tổng doanh thu 26,1 tỷ USD của hãng trong quý IV năm ngoái.

TTXVN/Tin Tức
Sau vụ việc Google, Youtube, mới rục rịch ban hành bộ Quy tắc ứng xử trong quảng cáo liệu có muộn?
Sau vụ việc Google, Youtube, mới rục rịch ban hành bộ Quy tắc ứng xử trong quảng cáo liệu có muộn?

Cùng ngày với việc ban hành "Bộ quy tắc ứng xử về văn minh du lịch" (ngày 17/3), lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng quyết định giao Cục Văn hóa cơ sở xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động quảng cáo, dự kiến sẽ ban hành vào quý IV/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN