Một nhóm nhà khoa học quốc tế ngày 11/2 cho biết họ đã phát hiện dấu vết hóa thạch lâu đời nhất về khả năng di chuyển của sinh vật trên Trái Đất và thời điểm đó cách đây 2,1 tỷ năm, tức là còn sớm hơn 1,5 tỷ năm so với những gì chúng ta thường nghĩ.
Theo nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Proccedings của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ, những hóa thạch nói trên của các sinh vật đa bào sống trong hệ sinh thái biển nguyên thủy, được tìm thấy trong lớp trầm tích ở lưu vực Franceville của châu Phi.
Sử dụng kỹ thuật hình ảnh không xâm lấn, hay còn gọi là biện pháp chụp cắt lớp X-quang điều khiển bằng vi tính để phân tích hóa thạch trầm tích, các nhà khoa học đã tìm thấy một cấu trúc hình ống với đường kính vài mm chạy xuyên qua các lớp đá mịn.
Phân tích sinh học và hóa học cho thấy những hóa thạch trên có nguồn gốc sinh vật và xuất hiện cùng thời điểm trầm tích lắng đọng. Các nhà nghiên cứu cho rằng sinh vật cổ xưa đã di chuyển để tìm kiếm nguồn dinh dưỡng và khí oxy trong một môi trường biển yên tĩnh và nông.
Các nhà khoa học không thể mô tả hình dạng chính xác của các sinh vật đó, nhưng họ suy đoán rằng chúng có thể giống với loài trùng biến hình, sinh vật thường tập hợp cùng nhau để tạo thành một loại sên tìm thức ăn khi nguồn tài nguyên khan hiếm.
Phát hiện trên đã đặt ra nhiều câu hỏi mới về lịch sử sự sống trên Trái Đất, đồng thời khơi gợi thêm những hướng nghiên cứu mới rằng: liệu sự biến đổi sinh học này có phải là khúc dạo đầu cho các hình thức chuyển động hoàn hảo hơn, hay là minh chứng về sự sụt giảm nghiêm trọng của oxy trong khí quyển xảy ra khoảng 2,08 tỷ năm trước.