Nhóm các nhà nghiên cứu, gồm 2 sinh viên và 1 giảng viên thuộc trường Đại học Cape Town đã bắt đầu thực hiện công trình này từ năm ngoái. Sau quá trình sử dụng ure nhân tạo, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng chính ure của người. Kết quả là viên gạch sinh học đầu tiên đã được ra đời trong phòng thí nghiệm.
Theo các nhà nghiên cứu, để tạo ra một viên gạch sinh học cần khoảng 30 lít ure. Các nhà nghiên cứu đã xử lý số nước tiểu này theo một kỹ thuật tương tự cách thức san hô hoặc vỏ sò được hình thành, theo đó, trộn ure, cát và vi khuẩn để tạo ra gạch. Hiện 3 viên gạch đầu tiên đã được trưng bày. Các viên gạch này có màu xám, nặng, không khác gì những viên gạch làm từ đá vôi.
Việc chế tạo ra các viên gạch sinh học nhận được đánh giá rất cao, bởi không giống những viên gạch thông thường được nung ở nhiệt độ 1.400 độ C, gạch sinh học từ nước tiểu không đòi hỏi phải nung ở nhiệt độ cao, qua đó, giúp giảm thiểu lượng khí carbon dioxide (CO2), gây ô nhiễm môi trường. Đáng chú ý nữa là viên gạch này còn không hề có mùi, bởi mùi ammonia có trong nước tiểu sẽ biến mất sau vài ngày.
Tuy nhiên, việc sản xuất gạch sinh học này đang gặp một số vướng mắc do giá thành sản xuất cao và để tạo ra một viên gạch phải mất từ 6-8 ngày. Các nhà nghiên cứu cho biết việc sản xuất mới chỉ trong giai đoạn đầu thử nghiệm và phải mất một thời gian nữa, các viên gạch này mới có thể chính thức có mặt trên thị trường, đồng thời hy vọng sẽ khắc phục được những hạn chế trong thời gian tới.