Bầu trời trên Sao Hỏa sẽ sớm được những đám mây bao phủ?
|
Nhà khoa học Aleksandr Popov tới từ thành phố Arkhangelsk, Nga vừa nhận bằng sáng chế cho phát minh tạo ra bầu khí quyển trên Sao Hỏa. Theo ông Aleksandr Popov, phát minh mới sẽ giúp kiểm soát thời tiết trên Hành tinh Đỏ, làm cho việc sinh sống ở đây trở nên khả thi.
Theo Sputnik, nhà khoa học Aleksandr Popov, thành viên Viện Hàn lâm khoa học quốc tế, đã có 8 bằng sáng chế, tất cả đều liên quan đến thám hiểm Sao Hỏa. Phát minh mới nhất của ông được gọi là "Phương pháp sưởi ấm bầu khí quyển Sao Hỏa".
Nhà khoa học này đã đề xuất sử dụng các mũ băng của Sao Hỏa, gồm có carbon dioxide (CO2) và băng. Theo ông Popov, khoảng hai năm một lần, những mũ băng này sẽ bắt đầu “tan chảy” – chuyển thành trạng thái khí. Trong khi đó, băng vẫn còn trên bề mặt. “Với sự trợ giúp của một hệ thống điện năng lượng mặt trời tập trung, nó có thể chuyển thành hơi nước, sau đó biến đổi thành sương mù hoặc mây”, nhà khoa học Popov trả lời báo Nga Rossiyskaya Gazeta.
Ngoài ra, ông còn nhận bằng sáng chế cho phương pháp hình thành một lá chắn tầng ozon trong bầu khí quyển Sao Hỏa. Trong khi các nhà khoa học khác cung cấp nhiều phương pháp chuyên sâu hơn về kiến thức nhằm tạo ra bầu khí quyển giống như của Trái Đất trên Sao Hỏa, ông Popov đưa ra một giải pháp đơn giản: lấp đầy Sao Hỏa với CO2, giúp làm tăng nhiệt độ và tạo ra một môi trường thuận lợi hơn.
Ông Popov gợi ý sử dụng một dây sắt phóng axit nitric. Trong những cơn bão bụi của Sao Hỏa, các hạt bụi sẽ nạp điện bằng cáp điện. Quá trình phóng điện được tạo ra trong khí quyển sẽ tách CO2 thành carbon monoxide (CO) và khí oxy, tạo ra một tầng ozon.
Nhà khoa học Nga này tin rằng việc sinh sống trên Sao Hỏa thậm chí có thể trở thành hiện thực chỉ trong 20-30 năm tới. Hiện nay, ông Popov đang nỗ lực nâng cao hiệu quả của các phát minh, làm cho chúng có giá cả phải chăng hơn và thực tế hơn.