Theo NOAA, phần lớn hành tinh của loài người đã trải qua bầu không khí oi ả trong cái nóng chưa từng thấy vào tháng 7 vừa qua, khi nhiệt độ tăng lên các mức cao mới trong tháng nóng nhất từng được ghi nhận. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng 7 cao hơn 0,95 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20 là 15,8 độ C, khiến nó trở thành tháng 7 nóng nhất nếu tính từ năm 1880.
Bang Alaska đã có tháng 7 nóng nhất kể từ khi vùng lãnh thổ thuộc Mỹ này bắt đầu lưu trữ số liệu nhiệt độ từ năm 2005. Một số nước châu Âu cũng chứng kiến các mức nhiệt độ cao kỷ lục và đây cũng là tháng nóng nhất trên toàn châu Phi.
Trước đó, các nhà khoa học ghi nhận tháng nóng nhất là tháng 7/2016. Theo NOAA, 9/10 tháng 7 nóng nhất xảy ra từ năm 2005, trong đó nóng nhất là 5 năm gần đây.
Sự ấm áp kỷ lục cũng làm diện tích băng ở Bắc Cực và Nam Cực thu hẹp xuống mức thấp lịch sử. Theo phân tích của Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia sử dụng dữ liệu từ NOAA và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), lớp băng ở Bắc Cực đã giảm xuống thấp kỷ lục trong tháng 7, thấp hơn 19,8% so với mức trung bình và vượt qua mức thấp kỷ lục ghi nhận trước đó vào tháng 7/2012. Trong khi đó, lớp băng ở Nam Cực cũng thấp 4,3% so với mức trung bình giai đoạn 1981-2010, khiến diện tích của nó trong tháng 7 nhỏ nhất trong 41 năm.