Ngày 1/2, Cơ quan Khí tượng thủy văn Australia thông báo lần đầu tiên trong lịch sử nước này chứng kiến nền nhiệt cao kỷ lục khi nhiệt độ trung bình tại châu Đại Dương vào tháng 1 vừa qua đã vượt quá 30 độ C.
Theo ông Andrew Watkins - nhà khí tượng học thuộc cơ quan trên, các đợt nắng nóng đã diễn ra trên phần lớn lãnh thổ Australia trong suốt tháng đầu tiên của năm 2019 với kỷ lục về thời gian và nhiệt độ trong hàng ngày. Nhiệt độ cao nhất trong tháng 1 năm nay được ghi nhận vào ngày 24/1 vừa qua với mức nhiệt 49,5 độ C tại phía Nam Australia.
Lý giải hiện tượng này, chuyên gia Watskin cho rằng khối áp cao liên tục được tăng cường tại biển Tasman, phía Nam Australia, đã ngăn cản khối không khí lạnh và không khí mát tràn tới nước này, khiến Australia chìm trong nắng nóng gay gắt. Bên cạnh đó, xu hướng toàn cầu ấm lên diễn ra nhanh hơn đã dẫn tới kiểu thời tiết cực đoan này. Tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ tại Australia tăng hơn 1 độ C trong vòng 1 thế kỷ qua.
Ngoài ra, phải kể đến lượng mưa thấp hơn so với mức trung bình tại hầu hết lãnh thổ Australia trong tháng 1 đã khiến tình trạng hạn hán tại phía Đông nước này thêm nghiêm trọng.
Không chỉ khiến cuộc sống của người dân đảo lộn, nắng nóng kéo dài cũng gây ra tình trạng cá chết hàng loạt tại hệ thống sông Murray-Darling với số lượng lên tới 1 triệu con. Việc cá chết xuất hiện trên hệ thống sông lớn nhất nước này làm dấy lên mối quan ngại về thảm họa môi trường.
Trong khi đó, cháy rừng do nắng nóng, vốn chỉ xảy ra vào mùa Hè tại khu vực Đông Nam khô cằn của nước này, nay cũng được ghi nhận tại khu vực Đông Bắc nhiệt đới tại Australia.