Hiện nay, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với vai trò doanh nghiệp là trung tâm đã được khởi động, doanh nghiệp đã thực sự là chủ thể đổi mới, tuy nhiên, năng lực sẵn sàng cho nền sản xuất 4.0 của Việt Nam vẫn còn yếu và phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa hệ thống sáng tạo quốc gia. Do đó, năm 2021 được đánh giá là năm chuyển đổi số mạnh mẽ, chính quyền điện tử cũng có diện mạo mới và từng bước hình thành phương thức tiếp cận mới, hình thành hệ sinh thái số kết nối chính quyền - doanh nghiệp - người dân, cùng với đó hình thành thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ.
Thế hệ kinh doanh mới
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh: Dịch COVID-19 đã tác động toàn diện và sâu rộng tới mọi mặt kinh tế-xã hội, ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà trực tiếp là các doanh nghiệp, vì vậy cần tập trung nguồn lực để vượt qua giai đoạn này để phát triển trong trạng thái bình thường mới. Dịch COVID-19 còn hạn chế khả năng tiếp cận các nguồn lực từ quốc tế, hạn chế sự tương tác, gặp gỡ, trao đổi kinh doanh. Đây cũng là một áp lực cho sự đổi mới sáng tạo, là cơ hội cho ứng dụng khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo giữa đại dịch. Qua chặng đường phát triển, giai đoạn cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới Việt Nam đang từng bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Hạ tầng thông tin, thống kê khoa học và công nghệ có bước phát triển mạnh, cơ sở dữ liệu về công nghệ và chuyên gia được hình thành, các ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số tích cực được triển khai, thích ứng nhanh trong điều kiện dịch, góp phần nâng cao hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bảo vệ kết quả hoạt động sáng tạo và phù hợp với cam kết quốc tế.
Năm 2021, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia năm 2021 (Techfest Vietnam) được tổ chức kéo dài từ tháng 9/2021 đến tháng 12/2021 với 120 sự kiện trên toàn quốc, cùng với sự tham gia của hơn 100 đối tác tại Việt Nam và thế giới, các mô hình tổ chức trực tiếp, trực tuyến đã được ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng, với hơn 350 starup đăng ký, hơn 100 nhà đầu tư tham gia kết nối với tổng giá trị quan tâm đầu tư lên đến hơn 15 triệu USD, các thế hệ kinh doanh mới cùng với nền tảng Techfest 247 đã thu hút 997 gian hàng, 711 sản phẩm đăng ký giao thương với những chia sẻ trực tuyến từ các làng công nghệ ở đa lĩnh vực.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới Việt Nam đã tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cung cấp những giải pháp mới, công cụ hiệu quả cho việc phòng và chống dịch, đồng thời, cũng được ứng dụng mạnh mẽ vào cuộc sống để kiến tạo và phát triển môi trường "bình thường mới". Các sáng kiến, giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đã thể hiện được vai trò tiên phong trong giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội trên nền tảng phát huy tính tự chủ, sáng tạo, đổi mới của Việt Nam, mà đại diện thế hệ trẻ những starup đã tạo được nhiều dấu ấn đáng tự hào.
Cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tiếp tục được vận hành hiệu quả và 13 tỉnh, thành phố đã xây dựng và vận hành cổng thông tin khởi nghiệp sáng tạo địa phương. Bên cạnh đó, Bộ đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hà Nội và đang triển khai các nhiệm vụ để hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh nhằm hỗ trợ các địa phương hình thành các khu tập trung dịch vụ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thế hệ kinh doanh mới.
Tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như một ưu tiên quốc gia. Trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết: Trong báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phát hành, Việt Nam tiếp tục là quốc gia đạt tiến bộ về đổi mới sáng tạo một cách có hệ thống và có tiềm năng lớn. Bảng xếp hạng GII năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia/nền kinh tế, theo đó Việt Nam tiếp tục duy trì xếp hạng trong nhóm 45 quốc gia dẫn đầu toàn cầu. Năm 2021, cũng là năm Việt Nam có số lượng công bố quốc tế tăng 2,5% so với năm 2020, ước đạt 18.510 công bố cho thấy nỗ lực nghiên cứu khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng cao, phát triển các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức phát triển trên phạm vi toàn cầu, bao gồm những tác động của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng, biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước dịch COVID-19. Do đó, cần có các giải pháp đổi mới hơn bao giờ hết và tận dụng sức mạnh của trí tuệ để giải quyết những thách thức để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và phục hồi, phát triển tốt hơn trong dịch cũng như sau khi dịch COVID-19 qua đi.
Chỉ có đổi mới sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, cách làm mới, hiệu quả mới, tiếp cận nhanh với tốc độ phát triển của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thế hệ kinh doanh nới là "mở" trong thiết kế mô hình vận hành, sản xuất kinh doanh, "mở" trong liên kết hợp tác đồng thời "mở" trong tư duy, cách tiếp cận vấn đề để cùng nhau "liên kết hợp tác", chia sẻ lợi nhuận và phát triển bền vững. Chỉ khi liên kết với nhau, hình thành chuỗi giá trị, chuỗi liên kết, tạo giá trị cộng hưởng cho nhau thì mô hình kinh doanh thế hệ mới mới phát triển được.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chia sẻ: Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng nguồn tài chính đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam lại tăng cao chưa từng thấy với hơn 1,3 tỷ USD đã được ghi nhận đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, sự tham gia của các chủ thể ngày càng tích cực và đã có sự tăng trưởng về số lượng, hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh... Việt Nam đang từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Một mạng lưới hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ là tiền đề quan trọng để mở rộng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, để kết nối ngày càng hiệu quả hơn với các hệ sinh thái đổi mới khác trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong muốn các tập đoàn, các tổng công ty, các cơ quan nhà nước sẽ đặt hàng cho đội ngũ những người làm khởi nghiệp bởi chính đội ngũ khởi nghiệp - thế hệ kinh doanh mới sẽ rất nhiều ý tưởng mới, sáng tạo và những ý tưởng đó sẽ giúp giải quyết bài toán của khu vực doanh nghiệp, tập đoàn. Ngược lại, để những ý tưởng khởi nghiệp thành công rất cần có sự đồng hành của các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ cho những người làm khởi nghiệp để họ "biến" kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.
Bài 3: Phát triển khoa học và công nghệ địa phương