Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết: Thực tế là nước ta còn nhiều hạn chế về phát triển trí tuệ nhân tạo, chưa có cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo ở đẳng cấp khu vực và quốc tế; chưa có trung tâm nghiên cứu cấp quốc gia về trí tuệ nhân tạo; hệ thống dữ liệu mở còn hạn chế…
Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, ba trụ để thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo là giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Trong đó, ngành thông tin truyền thông phải tạo ra thị trường cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Cùng với đó, ngành giáo dục cần tập trung đào tạo cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bởi hiện cả nước nhân lực lĩnh vực này không nhiều.
Đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn về cơ chế để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy gợi ý, thành phố có thể nghiên cứu thí điểm cơ chế đặt hàng, mua sắm công. Trong đó, Thành phố nên thực hiện theo cơ chế dịch vụ để kêu gọi doanh nghiệp tham gia, chứ không nhất thiết phải chi bằng ngân sách; cùng với đó phải xác định được một số bài toán từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn cần giải quyết, từ đó đặt hàng nghiên cứu các nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia giải quyết.
Riêng vấn đề đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cùng với tập trung đào tạo nhân lực ở cấp chuyên gia, cấp kỹ sư, thành phố cũng nên chú trọng các chương trình đào tạo nhằm phổ cập kiến thức, năng lực, kỹ năng về phân tích, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho mọi người dân, cán bộ, công chức, lãnh đạo ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề. Việc gắn kết các khu công nghệ cao, công viên phần mềm, trung tâm khởi nghiệp trong thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo cũng là vấn đề mà thành phố cần quan tâm.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng, thực tế công tác đào tạo nhân lực trí tuệ nhân tạo đã khó, việc giữ chân đội ngũ chuyên gia lĩnh vực này càng khó hơn do chính sách đãi ngộ tương xứng. Vì thế, thành phố đề xuất Trung ương điều chỉnh chính sách chung hoặc cho phép thành phố thí điểm chính sách về con người, sử dụng, đầu tư sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, về xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán, Bộ Khoa học và Công nghệ cần định hướng đối với mục tiêu xây dựng 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu và tính toán hiệu năng cao trong chiến lược quốc gia. Trong đó, có quy định, hướng dẫn cụ thể về quy mô, hệ thống, nền tảng, danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ, dữ liệu mở… để thành phố thuận lợi trong triển khai.
Triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.
Với việc triển khai chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”, thành phố sẽ từng bước thực hiện nhiều đề án, chương trình, giải pháp để thực hiện chiến lược quốc gia. Trong đó, thành phố chú trọng xây dựng hạ tầng số, hạ tầng tính toán hiệu năng cao, hạ tầng dữ liệu, đến đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo, ứng dụng, chuyển giao các giải pháp trí tuệ nhân tạo…