Đây là nội dung được đại diện Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ tại Hội thảo quốc tế “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải”, do Trường Đại học Giao thông Vận tải phối hợp cùng Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 11/12.
Theo ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh), thành phố sẽ tập trung nghiên cứu để triển khai AI trên một số lĩnh vực. Cụ thể, sẽ ứng dụng AI trong công tác quản lý, điều hành giao thông trên cơ sở lập các mô hình dự báo giao thông thông qua việc thu thập đầy đủ các dữ kiện giao thông, phân tích các hành vi giao thông, dự báo các sự kiện giao thông xảy ra trên đường, tối ưu hóa dòng giao thông và khuyến nghị những lộ trình lưu thông phù hợp.
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường giám sát, phát hiện tự động các hành vi vi phạm giao thông trên đường thông qua thu thập, tổng hợp, phân tích các hành vi lưu thông đặc thù của người tham gia giao thông. AI cũng được ứng dụng trong quản lý, bảo trì hệ thống công trình giao thông; thu thập thông tin, giám sát và phát hiện tự động các bất cập, hư hỏng hệ thống công trình giao thông xảy ra trong quá trình khai thác sử dụng.
Theo kết quả từ mô hình mô phỏng dự báo giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, số hành trình đi lại trung bình của mỗi người dân Tp. Hồ Chí Minh năm 2020 là 3,16 chuyến đi/người/ngày và nhìn chung cao hơn so với số hành trình đi lại của các đô thị trong khu vực.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Tp. Hồ Chí Minh có nhiều đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân, xử phạt vi phạm hành chính, đầu tư kết cấu hạ tầng… cũng như bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để giải quyết được bài toán cho giao thông đô thị. Ngành giao thông thành phố mong có sự hợp tác giữa các đơn vị, nhà khoa học để mang lại kết quả tốt hơn cho giao thông trong thực tiễn.
Hội thảo quốc tế “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải” nhằm tạo diễn đàn quốc tế trao đổi khoa học và công nghệ giữa các nhà khoa học Việt Nam với các nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới trong lĩnh vực có liên quan đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giao thông vận tải; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin; kết nối các nhà khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước với các cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Alan Bromwick, Giám đốc Thị trường - Công ty Sika Việt Nam cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh thường xảy ra tình trạng ùn tắc cũng như tai nạn giao thông. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực này sẽ giúp theo dõi, kiểm soát dòng giao thông tốt hơn, qua đó đề ra các giải pháp để tổ chức giao thông thuận tiện, hợp lý hơn. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giao thông vận tải có nhiều triển vọng để thực hiện ở Tp. Hồ Chí Minh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải tại các nước trên thế giới và khả năng ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam.