Đuôi khủng long còn nguyên trong khối hổ phách. |
Đây là lần đầu tiên các nhà khảo cổ có cơ hội nghiên cứu lông khủng long được bảo quản tốt.
Một nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Lida Xing, thuộc Đại học khoa học địa chất Trung Quốc, Bắc Kinh, đứng đầu, đã phát hiện một khối hổ phách trong một khu chợ ở Myanmar. Sau khi nghiên cứu và quan sát qua kính hiển vi, họ phát hiện một chiếc đuôi khủng long vẫn được bảo quản tốt bên trong khối hổ phách này.
Chiếc đuôi khủng long, mà các nhà khảo cổ cho là tồn tại cách đây 99 triệu năm, có thể là của Coelurosaur (thằn lằn đuôi rỗng), cùng loài với khủng long bạo chúa.
Theo National Geographic, khủng long này không lớn như khủng long bạo chúa, mảnh hổ phách “gần bằng kích cỡ và hình dạng một quả mơ khô”.
"Mẩu đuôi với 8 đốt sống này là của một con khủng long nhỏ tuổi. Mẩu đuôi được bao quanh bởi những sợi lông vũ theo hình dạng 3D", nhà nghiên cứu Ryan McKellar ở bảo tàng Royal Saskatchewan, Canada, nói.
Theo Current Biology, phát hiện này cho thấy sự phong phú của hình thái lông vũ và giúp lý giải sự tiến hoá của loài khủng long chân thú nhỏ như khủng long ăn thịt, trong đó có các loài chim.
Trước đó, nhóm của Tiến sĩ Xing đã phát hiện lông của các loài chim thời tiền sử, cũng bị đóng băng trong hổ phách, và cũng được mua ở một khu chợ Myanmar. Những chiếc lông khủng long cho thấy sự khác nhau rõ rằng giữa bộ lông chim thời tiền sử và hiện đại.