Mức khí CO2 hiện nay trong bầu khí quyển có thể khiến khu vực Nam Cực có điều kiện khí hậu như giai đoạn Kỷ thứ ba (Pliocene) cách đây 3 triệu năm.
Theo Dailymail, lần cuối cùng mà lượng CO2 trong bầu khí quyển cao như hiện nay (khoảng 400 ppm) là trong thời kỳ trên.
Nghiên cứu bằng chứng từ kỷ nguyên này có thể cho ta biết thông tin về tương lai của Trái đất và giúp con người hiểu áp lực đang phải đối mặt.
Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia Anh và Viện Biến đổi Khí hậu Grantham sẽ tổ chức một cuộc họp vào 10/4 để thảo luận chủ đề này.
Lượng CO2 trong bầu khí quyển đạt mức trung bình 400 ppm lần đầu tiên năm 2015.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Martin Siegert, đồng Giám đốc Viện Grantham, có khả năng có độ trễ trước khi chúng ta có thể cảm nhận hậu quả thực sự khi mức CO2 đạt ngưỡng này.
Nhìn lại Kỷ thứ ba cũng có thể cho ta thông tin để biết cách đối phó với thách thức như vậy.
Trong giai đoạn này, mực nước biển cao hơn 15m và nhiệt độ cao hơn từ 2 đến 3,5 độ C so với bây giờ.
Giáo sư Martin Siegert nói: “Nếu bạn bật lò nướng ở nhà lên và bật mức 200 độ C, nhiệt độ sẽ không lên ngay mức đó. Nó cần chút thời gian. Điều đó cũng tương tự như khí hậu”.
Giáo sư Dame Jane Francis, Giám đốc Khảo sát Nam Cực ở Anh, cho biết tàn tích các khu rừng của Nam Cực đã được phát hiện. Khu rừng này có thể có từ Kỷ thứ ba. Giáo sư Francis nói: “Tầm quan trọng thực sự của vấn đề là chúng ta đã có mức CO2 là 400 ppm, và nếu trước đây chúng ta từng trải qua mức 400 ppm, thì có thể chúng ta sẽ quay lại thời kỳ này. Khi đó, đôi khi các tảng băng sẽ tan, không phải lúc nào cũng tan mà là đôi khi. Điều này có thể giúp cây cối thống trị vùng đất Nam Cực trở lại”.
Trước cuộc cách mạng công nghiệp năm 1850, mức CO2 là khoảng 280 ppm và từ đó, nhiệt độ tăng lên 1 độ C trên toàn cầu. Điều đó có nghĩa là cuối thế kỷ này, chúng ta có thể tăng thêm 1 độ C.
Nếu tiếp tục tăng ở mức hiện nay, lượng CO2 có thể tăng lên 1.000 ppm trước năm 2100. Mức đó tương tự như lượng CO2 cách đây 100 triệu năm, khi khủng long còn sống và Nam Cực ấm hơn và nhiều cây hơn rất nhiều.
Giáo sư Martin Siegert nói: “Nếu nhiệm vụ của chúng ta là đưa lượng CO2 trong bầu khí quyền về mức đó và tái tạo lại giai đoạn Phấn trắng 100 triệu năm trước đây thì chúng ta đang làm khá tốt”.
Giáo sư kêu gọi toàn cầu hành động để giảm lượng CO2 trong bầu khí quyển. Ông nói: “Hậu quả của những gì chúng ta đã làm trong 150 năm sẽ tiếp diễn trong tương lai, vì thế làm gì là phụ thuộc vào chúng ta. Chúng ta sẽ bị lịch sử phán quyết về cách chúng ta phản ứng với vấn đề này. Hiện tại, chúng ta làm không tốt lắm”.