Bẻ khóa sinh học
Theo tờ Vox, thuật ngữ bẻ khóa sinh học (biohacking) có thể bao gồm một loạt hoạt động, từ thực hiện thí nghiệm khoa học về nấm men cho tới thay đổi đặc điểm sinh học của cơ thể như: cấy chip vào tay chân, uống thuốc thông minh, cấy phân, bơm máu người trẻ vào cơ thể để chống tuổi già…
Những kiểu người bẻ khóa sinh học gây chú ý và tranh cãi nhất hiện nay ở Mỹ là những người dùng cơ thể mình làm thí nghiệm với hy vọng nâng cấp hoặc tối ưu hóa thể chất, trí tuệ của bản thân.
Thung lũng Silicon ở California là nơi mà trào lưu bẻ khóa sinh học "cất cánh". Đây là nơi có nhiều người ủng hộ bẻ khóa sinh học nổi tiếng, ví dụ như Tổng giám đốc điều hành Twitter Jack Dorsey. Đây cũng là nơi công nghệ phát triển, phù hợp với những người bẻ khóa sinh học – những người có tâm lý không chấp nhận khiếm khuyết của cơ thể.
Tỷ phú Serge Faguet, người định dùng kỹ thuật bẻ khóa sinh học để trường sinh bất lão, nói: “Mọi người ở Thung lũng Silicon có suy nghĩ kỹ thuật, nên họ nghĩ mọi thứ là vấn đề kỹ thuật có thể chỉnh sửa”.
Một trong những người bẻ khóa sinh học “khét tiếng” nhất, Josiah Zayner, sống ở California và đang bị điều tra sau khi bị cáo buộc thực hành y học mà không có giấy phép. Ông này điều hành một công ty tên là Odin trong gara nhà ở Oakland, bán thiết bị bẻ khóa sinh học như bộ chỉnh sửa gen tự làm giá 1.849 USD. Năm 2017, ông đã tự tiêm ADN CRISPR cho mình tại một hội nghị công nghệ sinh học và phát trực tiếp lên mạng. Cùng năm đó, ông này đã bán bộ CRISPR để chỉnh gen người, làm cho cơ bắp to hơn.
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã ra thông báo, nói rằng bán bộ công cụ chỉnh gen tự làm để dùng với người là bất hợp pháp. Zayner bác bỏ cảnh báo và tiếp tục bán bộ dụng cụ. Chỉ sau khi nhận thư từ khách hàng nói có người bị thương, ông ta mới dừng bán sản phẩm này.
Theo các nhà nghiên cứu, các biện pháp can thiệp vào gen trong bẻ khóa sinh học tiềm ẩn nguy cơ với người thực hiện. Khi đưa vật liệu gen mới vào ADN của mình hoặc tìm cách chỉnh sửa phần ADN sai, người thực hiện có rủi ro can thiệp nghiêm trọng vào cơ thể, có thể gây ra một khối u. Nhiều thí nghiệm bẻ khóa sinh học không có bằng chứng y học, có thể dẫn tới biến chứng hoặc nguy hiểm tính mạng.
Luật cấm
Bang California đang có dự luật cấm một người tự can thiệp gen của bản thân tại nhà. Dự luật cấm bán bộ chỉnh sửa gen tự làm trừ khi có cảnh báo rõ ràng là không được tự thực hiện.
Đây là động thái đáng chú ý trong nỗ lực quản lý vấn đề bẻ khóa sinh học, nhất là khi dường như không có ai đang bán bộ dụng cụ mà California muốn cấm.
Dự luật trên là đề xuất của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Ling Ling Chang và đã được Thống đốc bang Gavin Newsom ký vào ngày 30/7, có hiệu lực từ tháng 1/2020. Đây là luật đầu tiên ở Mỹ nhằm vào công nghệ chỉnh gen CRISPR.
Bà Chang viết trên Facebook: “Bộ kỹ thuật chỉnh sửa gen CRISPR đang ngày càng phổ biến, nhưng nhiều người trong cộng đồng khoa học đã cảnh báo rằng nó có thể để lại hậu quả nếu thực hiện bên ngoài phòng thí nghiệm chuyên nghiệp. Bộ luật đầu tiên nhằm quản lý công nghệ CRISPR mới nổi này sẽ giúp ngăn chặn nguy hiểm do người dùng không chuyên gây ra”.
Nhiều người bẻ khóa sinh học cho rằng luật cấm trên sẽ phản tác dụng vì sẽ đẩy hoạt động này vào bí mật. Họ cho rằng tốt hơn hết là khuyến khích minh bạch để mọi người có thể hỏi cách thực hiện điều gì đó một cách an toàn.
Bà Ellen Jorgensen, một nhà sinh học phân tử, cho rằng phần lớn người bẻ khóa sinh học đều có ý thức về an toàn và không phải những người thích tạo ra dịch bệnh. Họ thậm chí còn có bộ quy tắc đạo đức.
Tuy nhiên, các chính trị gia như bà Chang và các cơ quan như FDA cho rằng họ cần hành động. Hồi tháng 2, FDA đã ra tuyên bố kêu gọi mọi người tránh xa truyền máu của người trẻ. Hồi tháng 6, FDA đã cấm thử nghiệm lâm sàng cấy phân sau khi hai người bị nhiễm khuẩn nghiêm trọng và một người tử vong.
Dù có luật rõ ràng quản lý các hoạt động bẻ khóa sinh học nhưng cũng sẽ không có cách nào để ngăn mọi người theo đuổi hoạt động này bí mật.