Tên của sứ mệnh này xuất phát từ bài thơ “Tianwen” (Hỏi trời cao) rất nổi tiếng của nhà thơ Khuất Nguyên (340-278 trước Công nguyên), một trong những đại thi hào của Trung Hoa cổ đại. Trong bài thơ, tác giả đặt ra hàng loạt câu hỏi về bầu trời, các vì sao, các hiện tượng tự nhiên, các bí ẩn và thế giới thực tại, chỉ ra những nghi vấn xung quanh các quan niệm truyền thống và thể hiện tinh thần tìm tòi khám phá sự thực.
CNSA cho biết tất cả các sứ mệnh khám phá sao Hỏa của Trung Quốc trong tương lai sẽ được đặt tên là Tianwen, nhấn mạnh tinh thần kiên trì của nước này trong việc tìm hiểu sự thật, khoa học, khám phá tự nhiên và vũ trụ. CNSA cũng công bố logo của các nhiệm vụ khám phá vũ trụ của Trung Quốc là biểu tượng hình chữ C (chữ cái đầu tiên trong từ China), cũng mang ý nghĩa hợp tác (cooperation) và năng lực khám phá không gian (capacity of entering space). Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai nhiệm vụ thăm dò sao Hỏa không người lái trong năm nay, đặt mục tiêu bay vào quỹ đạo, hạ cánh và thám hiểm chỉ trong một nhiệm vụ.
Từ năm 2016, Trung Quốc đã lấy ngày 24/4 hằng năm là ngày Vũ trụ để đánh dấu ngày phóng vệ tinh không gian đầu tiên Đông Phương Hồng-1 (Dongfanghong-1) vào vũ trụ năm 1970. CNSA khẳng định sẽ hợp tác cùng cộng đồng quốc tế để tạo thêm những đóng góp to lớn hơn cho sứ mệnh khám phá những bí ẩn của vũ trụ.
Năm 2003, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đưa người vào vũ trụ bằng tên lửa tự chế tạo, sau Nga và Mỹ. Từ đó tới nay, Bắc Kinh luôn cố gắng bắt kịp Moskva và Washington đồng thời đặt mục tiêu trở thành một cường quốc không gian vào năm 2030.