Theo đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), về mặt kỹ thuật, kết nối khai thác thông tin trong CSDLQG về dân cư có thể thực hiện được ngay. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là chưa có văn bản pháp lý quy định các trường thông tin đầu vào để kết nối chia sẻ. Việc xác định thông tin đầu vào là yếu tố quan trọng, liên quan đến sự thuận tiện của cán bộ các Bộ, ngành, địa phương trong việc sử dụng và bảo mật thông tin người dân. Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cần phải được thể chế hóa trong các quy định quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành để có đủ căn cứ pháp lý triển khai.
Đại diện Sở TT&TT Quảng Ninh đề xuất, khi các bộ ngành, địa phương đã được kết nối, khai thác CSDLQG về dân cư, được sử dụng các dịch vụ dữ liệu như xác minh nhân thân, đăng ký thông tin công dân, xác thực thông tin công dân, Bộ TT&TT và Bộ Công an cần tham mưu cho Chính phủ cũng như các Bộ ngành rà soát lại các thủ tục hành chính, giảm bớt một số giấy tờ không cần thiết cho người dân như căn cước công dân, sổ hộ khẩu…
Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Tin học hóa khẩn trương có văn bản hướng dẫn để Bộ gửi lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn cụ thể việc kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 200 dịch vụ công ưu tiên này để các địa phương có cơ sở triển khai.
Với việc kết nối với CSDLQG và phương pháp làm mới, mục tiêu đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 trong năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
Theo Bộ Công an, đến cuối tháng 4, công an trên toàn quốc đã thu nhận hơn 30 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng CSDLQG về dân cư. Theo kế hoạch, đến trước 1/7/2021, Bộ Công an sẽ cấp hơn 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.