Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, hội nghị này là cơ hội để các nhà lãnh đạo trên thế giới; các Bộ trưởng Y tế, Năng lượng và Môi trường; các Thị trưởng; những người đứng đầu các tổ chức liên chính phủ và các nhà khoa học, cam kết hành động chống lại mối đe dọa nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, nguyên nhân dẫn đến cái chết của gần 7 triệu người mỗi năm.
Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, WHO kêu gọi ngành y tế phải thực hiện các biện pháp thông tin, giáo dục, cung cấp phương tiện cho các chuyên gia y tế và tham gia vào việc phát triển các chính sách liên ngành.
WHO cũng kêu gọi tất cả các quốc gia phải nỗ lực thực hiện các nguyên tắc toàn cầu về đảm bảo chất lượng không khí do WHO khuyến cáo, nhằm cải thiện sức khỏe và sự an toàn cho trẻ em. Để đạt được mục tiêu này, các chính phủ cần áp dụng các biện pháp như giảm sự phụ thuộc quá mức vào nhiên liệu hóa thạch trong gói năng lượng toàn cầu, đầu tư để cải thiện hiệu quả năng lượng và tạo điều kiện cho sự phát triển năng lượng tái tạo.
Quản lý chất thải tốt hơn có thể góp phần làm giảm lượng chất thải bị đốt cháy trong cộng đồng và do đó giảm ô nhiễm không khí. Việc sử dụng hiệu quả các công nghệ và nhiên liệu không gây ô nhiễm trong nấu ăn tại các gia đình, trong sưởi ấm và chiếu sáng có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí trong các gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, cần giảm thiểu sự tiếp xúc của trẻ em đối với không khí bị ô nhiễm: trường học và nhà trẻ phải được bố trí ở xa các nguồn ô nhiễm không khí chính là đường giao thông, nhà máy hay các nhà máy điện.
Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Ban Thư ký Công ước Khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), Liên minh về Khí hậu và Chất lượng Không khí (CCAC) và Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Âu (UNECE).