Theo báo cáo của WHO, có tới 25% số ca tử vong vì ô nhiễm không khí trên toàn thế giới xảy ra tại Ấn Độ, và trong năm 2016 có gần 61.000 trẻ dưới 5 tuổi tại quốc gia này tử vong do hít phải hạt bụi siêu vi gây ô nhiễm PM 2.5.
Báo cáo nêu rõ, trong số trẻ dưới 5 tuổi tử vong vì nguyên nhân kể trên có 33.000 bé gái và 28.000 bé trai. Cũng trong năm 2016, tại Ấn Độ, ô nhiễm không khí đã khiến 4.360 trẻ em độ tuổi từ 5-14 tuổi tử vong. Xếp ngay sau Ấn Độ về số ca trẻ tử vong vì ô nhiễm không khí do PM 2.5 là Nigeria với tổng số 47.674 ca, tiếp đó là Pakistan với 21.136 ca và CHDC Congo với 12.890 ca. Báo cáo cũng chỉ ra hơn 90% trẻ em trên thế giới đang phải hít thở không khí độc hại mỗi ngày và khoảng 600.000 trẻ có thể đã tử vong vì các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính do ô nhiễm không khí gây ra.
Báo cáo của WHO cho thấy ô nhiễm không khí tiếp tục là vấn đề gây quan ngại hàng đầu tại Ấn Độ. Chất lượng không khí tại thủ đô Delhi vẫn duy trì ở mức "rất xấu" trong vài ngày qua và tình hình có thể sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi khi thời tiết bước sang Đông và các hộ nông dân ở các bang lân cận thủ đô như Haryana và Punjab tiếp tục đốt rơm rạ. Các nguyên nhân khác góp phần khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Delhi thêm nghiêm trọng gồm các hoạt động xây dựng vô trách nhiệm và ô nhiễm khói bụi từ phương tiện giao thông.
Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, ngày 29/10, Tòa án tối cao Ấn Độ đã đưa ra biện pháp nghiêm khắc, theo đó yêu cầu Sở Giao thông vận tải Delhi và các bang láng giềng cấm các xe động cơ chạy xăng đã sử dụng hơn 15 năm và xe động cơ diesel đã sử dụng hơn 10 năm lưu thông trên đường.