Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi để phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) từ sức gió, năng lượng mặt trời, rác thải... Với gần 3.400 km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 - 1.000 kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó là nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW/năm.
Nhà máy điện mặt trời tại Côn Đảo với công suất 36 kW và sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 51.500 kW được đưa vào sử dụng tháng 1/2015. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Tuy nhiên, theo ông Tăng Thế Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Quy hoạch (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), công suất NLTT đang được khai thác gồm thủy điện nhỏ, sinh khối, rác thải sinh hoạt, mặt trời và gió mới đạt khoảng 1.215 MW, chỉ chiếm khoảng 3,4% tiềm năng về NLTT của Việt Nam. Trong đó, năng lượng mặt trời mới khai thác được khoảng 3% tiềm năng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển NLTT nhưng các doanh nghiệp hiện nay còn khá e dè khi đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay, cả nước có 77 dự án điện gió, quy mô công nghiệp được đăng ký ở 18 tỉnh, thành phố là trên 7.000 MW. Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 dự án được triển khai và có điện bán vào hệ thống điện quốc gia với 48,2MW.
Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2015. Đây là nền tảng cho sự phát triển NLTT tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, để thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NLTT, nhà nước cần có chính sách ưu đãi linh hoạt về NLTT, áp dụng cho giai đoạn nghiên cứu, thí điểm và những năm đầu sản xuất. Ngoài ra, cần có sự công bằng giữa các tập đoàn kinh tế nhà nước với thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến để sản xuất các sản phẩm sử dụng NLTT, từ đó nội địa hóa các sản phẩm này.
Cũng tại diễn đàn, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đề nghị cần phải thay đổi tư duy tiếp cận trong chiến lược năng lượng, thay vì chỉ trọng bên cung như hiện nay thì cần chú trọng cả cung và cầu.
"Hiện nay, chúng ra đang ra sức sản xuất điện để chạy theo đáp ứng nhu cầu. Phát triển năng lượng trong tình trạng thiếu nguồn cung thì tìm mọi cách bù đắp; trong khi sản xuất công nghiệp và nông nghiệp năng suất thấp dẫn đến việc tiêu tốn nguồn năng lượng lớn nhưng lại chưa có giải pháp căn cơ để tiết giảm nhu cầu. Cần coi tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng là bắt buộc chứ không chỉ là sự lựa chọn", chuyên gia nhận định.