Tại buổi tổng kết, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, các kết quả đạt được của giai đoạn vừa qua, tuy là rất đáng ghi nhận nhưng thực sự chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, các ngành công nghiệp Việt Nam có tiềm năng kỹ thuật về tiết kiệm năng lượng lớn, từ 25-40%. Theo ước tính, chi phí bỏ ra để tiết kiệm được 1 kWh điện chỉ bằng 1/4 so với chi phí phải bỏ ra để sản xuất thêm lượng điện năng đó.
Để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu thì việc phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu, tổng hợp và nghiên cứu tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu để đưa ra những giải pháp khắc phục, điều chỉnh; bao gồm cả việc kiến nghị sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ trước ngày 31/1/2017.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011-2015 đã giúp tiết kiệm 5,65% trên tổng năng lượng tiêu thụ trong cùng giai đoạn, tương đương với việc tiết kiệm sử dụng trên 11 triệu tấn dầu quy đổi.
Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp, tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần trong giai đoạn 2011-2015. Cụ thể, ngành thép giảm 8,09%; ngành xi măng giảm 6,33%; ngành dệt sợi giảm 7,32%.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN. |
Sau khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm đã được ban hành, những vấn đề vướng mắc trước đây như: Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện các chương trình, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua ngân sách nhà nước; Trợ giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trợ giúp lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân trong việc thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được xác định minh bạch, các kế hoạch hợp tác của các nhà tài trợ quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Nhiều dự án ODA trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính được các bộ, ngành và địa phương xây dựng và triển khai.
Ngoài ra, theo khảo sát của Bộ Công Thương, hơn 85% người dân đã biết và hiểu về vấn đề tiết kiệm năng lượng thông qua truyền thông cộng đồng, nhận biết được về nhãn năng lượng và hiểu về lợi ích tiết kiệm năng lượng của các sản phẩm, hàng hóa tiết kiệm năng lượng.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, để việc tiết kiệm năng lượng có hiệu quả, cần tăng cường tính bắt buộc trong tuân thủ Luật.
Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, việc tuân thủ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn chưa nghiêm, các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật chưa thực hiện đầy đủ các qui định của Luật, Nghị định và các văn bản hướng dẫn đã ban hành.
Các chính sách hỗ trợ về tài chính đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động đầu tư trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm còn chưa đồng bộ, doanh nghiệp không có vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án tiết kiệm năng lượng…
Do vậy, để nâng cao vai trò của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Quân đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật theo hướng: Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức biện pháp thực hiện, chế độ giám sát, báo cáo, đánh giá việc thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành mình.
Đồng thời, tăng cường tính bắt buộc trong việc tuân thủ các quy định của Luật đối với các cơ sở sử dụng năng lượng, đặc biệt là cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…