Những cơn giông kỳ lạ tấn công Bắc Cực ngày càng lâu hơn

Trận giông dài nhất trong lịch sử quan sát ở Bắc Cực vào tháng 7/2022 cho thấy thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều tại nơi hiếm khi xảy ra giông bão. 

Chú thích ảnh
Mây đen xuất hiện trên sông băng Jokulsarlon ở Iceland. Giông bão là hiện tượng bất thường ở Bắc Cực vì chúng cần điều kiện ẩm ướt và ấm áp để hình thành. Ảnh: AFP

Trận giông này do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực ghi nhận từ đài quan sát khí tượng thủy văn Nga trên bán đảo Severnaya Zemlya, ngay phía Bắc Siberia. 

Giông bão thường xảy ra tập trung ở những khu vực ấm hơn trên Trái đất, vì vậy thật đáng ngạc nhiên khi thấy hình thái thời tiết này xuất hiện ở gần Bắc Cực.

Nhà khoa học Jennifer Francis tại Trung tâm Nghiên cứu Khí hậu Woodwell ở Massachusetts, nói với tạp chí Newsweek: “Để tạo ra giông bão cần có không khí ẩm và ấm. Cả hai yếu tố đó đều không phổ biến ở Bắc Cực”. Theo bà, giông bão ở Bắc Cực thường yếu hơn tại các khu vực xa hơn về phía Nam vì không khí lạnh hơn và chứa ít độ ẩm hơn, vì vậy nếu giông bão hình thành, nó sẽ có ít “nhiên liệu” để hoạt động.

Giông bão xảy ra khi không khí ấm, ẩm tăng lên trong không khí lạnh hơn và ngưng tụ thành những đám mây tích cao chót vót. Thời gian tồn tại của một cơn giông thay đổi rất nhiều từ vài phút đến vài giờ. Vì giông bão ở Bắc Cực thường yếu hơn nên chúng cũng có xu hướng tồn tại trong thời gian ngắn hơn.

Ước tính, một cơn giông điển hình sẽ kéo dài trung bình khoảng 30 phút. Và cơn giông xảy ra hồi tháng 7 năm ngoái ở Bắc Cực đã kéo dài gần gấp đôi con số đó, khoảng 55 phút.

Theo thông cáo báo chí tháng 2/2023 của Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Nam Cực, cơn giông đầu tiên được đài quan sát này ghi lại ở khu vực này là vào tháng 6/2019. Nó kéo dài 40 phút. Năm 2021, có hai cơn bão xuất hiện, lần lượt dài 40 phút và 25 phút. 

Đáng chú ý, đây không phải là những báo cáo duy nhất chỉ ra rằng bão giông đang xuất hiện ngày càng nhiều tại Bắc Cực. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters năm 2021 cho thấy, từ năm 2010 - 2020, số vụ sét đánh trong vòng Bắc Cực đã tăng lên đáng kể.

Hầu hết hiện tượng gia tăng này xảy ra ở các vĩ độ trong bán kính 1.100km của Bắc Cực. Hay một báo cáo từ công ty quan sát thời tiết Vaisala của Phần Lan cho thấy vào năm 2021, số vụ sét đánh được phát hiện trong bán kính đó gần gấp đôi so với 9 năm trước cộng lại.

Hiện tượng gia tăng thời tiết cực đoan này có thể là do những thay đổi khí quyển nhanh chóng đã xảy ra ở Bắc Cực trong các thập kỷ gần đây. "Bắc Cực đang nóng lên nhanh hơn toàn cầu từ 3 đến 4 lần và trung bình toàn cầu có thêm khoảng 4% hơi nước trong bầu khí quyển. Sự nóng lên và độ ẩm gia tăng đang cung cấp hai thành phần chính để hình thành giông bão”, bà Francis lý giải. 

Khi Bắc Cực ấm lên, lượng băng biển mùa hè đã giảm 13% mỗi thập kỷ kể từ năm 1979, theo dữ liệu từ Trung tâm Dữ liệu Băng và Tuyết Quốc gia. 

Và khi băng tan nhiều hơn, chúng ta sẽ thấy mực nước biển dâng cao hơn, tăng khả năng hấp thụ nhiệt do độ phản xạ của lớp bao phủ giảm và khiến băng tan nhanh hơn. Điều này sẽ giải phóng thêm khí nhà kính vào khí quyển.

Nhiều giông bão xuất hiện ở Bắc Cực cũng có thể làm tăng nguy cơ cháy rừng ở các khu vực xa về phía Bắc do sét đánh gia tăng. 

Đức Trí/Báo Tin tức (Theo Newsweek)
Các nhà khoa học hoàn tất giải trình tự bộ gene gà
Các nhà khoa học hoàn tất giải trình tự bộ gene gà

Một nhóm các nhà khoa học đã tập hợp được trình tự hoàn chỉnh bộ gene của gà, qua đó đánh dấu một thành tựu quan trọng trong nỗ lực giải trình tự bộ gene của một loài động vật có giá trị lớn về kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN