Các nhà khoa học đang nỗ lực xác định xem có tồn tại khí quyển trên "siêu Trái Đất" này hay không, đồng thời tìm dấu vết sự sống quanh một ngôi sao khác Mặt Trời.
Đồng tác giả nghiên cứu, nhà thiên văn Jose Caballero tại Trung tâm Sinh học vũ trụ Tây Ban Nha cho biết mục tiêu cuối cùng là tìm ra dấu vết sinh học trong khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời, cũng như dấu hiệu của sự sống trên những hành tinh có đặc điểm giống Trái Đất.
Khoảng 4.000 hành tinh ngoài hệ Mặt trời đã được tìm thấy trong 25 năm qua, trong đó một số hành tinh có bầu khí quyển. Tuy nhiên, đây chủ yếu là "các hành tinh khí hoặc hành tinh băng", còn những hành tinh có kích thước giống Trái Đất vẫn chưa được nghiên cứu kĩ.
Ông Caballero cho rằng phát hiện mới mở ra tiềm năng nghiên cứu một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời "có nhiều đá, giống Trái Đất", có tên Gliese 486b và nằm cách Trái Đất 26 năm ánh sáng. Hành tinh này lớn hơn Trái Đất 30% và có khối lượng gấp 2,8 lần, nằm ở khu vực được cho là "có thể sinh sống" quanh một ngôi sao.
Để phát hiện ra hành tinh này, các nhà nghiên cứu sử dụng hai phương pháp gồm "trắc quang vận động", tức là theo dõi sự biến đổi nhỏ trong độ sáng của một ngôi sao khi có hành tinh đi qua nó, và "vận tốc quay Doppler" tức là đo tốc độ quay của ngôi sao do lực hấp dẫn từ các hành tinh xung quanh.
Ông Caballero cho biết nếu Trái Đất có khí quyển thì bất kỳ hành tinh nào có khoảng cách xa hơn (tính từ ngôi sao chúng quay quanh) và có các đặc tính tương tự, cũng đều có bầu khí quyển. Nếu không, tất cả các hành tinh khác trong quỹ đạo quanh ngôi sao đó không thể có sự sống.
Do Gliese 486b ở rất gần ngôi sao Gliese 486 của nó, nên hành tinh này chỉ mất dưới 1,5 ngày để hoàn thành chu kỳ quay quanh quỹ đạo.
Chuyên gia Trifon Trifonov tại Viện Thiên văn Max Planck, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết nhóm khoa học đã khảo sát 350 "ngôi sao lùn" màu đỏ để tìm sự sống trên những hành tinh có khối lượng thấp. Kết quả cho thấy Gliese 486b có mức nhiệt độ khoảng 430 độ C và không đáp ứng điều kiện sống. Tuy nhiên, ông Trifonov khẳng định Gliese 486b là "một phát hiện đột phá", có thể trở thành hình mẫu nghiên cứu về các hành tinh đá bên ngoài hệ Mặt Trời.
Chuyên gia Trifonov bày tỏ kỳ vọng về Kính viễn vọng James Webb, dự kiến được đưa vào sử dụng cuối năm nay. Loại kính này cho phép xác định một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời có khí quyển hay không, cùng các thành phần cấu tạo của nó, trong thời gian 3 năm trở lên và có thể giúp con người kết luận tại đó có sự sống hay không trong vài thập kỷ tới.