Theo tuyên bố trực tuyến của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), tàu Parker vốn được ví là "thành quả của 60 năm tiến bộ khoa học", vẫn hoạt động tốt với các thiết bị đang chạy ổn định và thu thập các dữ liệu khoa học sau khi bay cách bề mặt Mặt Trời hơn 24 triệu km.
Màng chắn nhiệt của tàu Parker được làm từ nguyên liệu bọt hợp chất cácbon dầy 11,43 cm kẹp giữa hai tấm sợi cácbon có thể giúp duy trì nhiệt độ bên trong tàu luôn ở mức ở 26,6 độ C. Do vậy, dù nhiệt độ ở bên ngoài có nóng như thế nào nữa cũng không ảnh hưởng tới con tàu.
Ngoài ra, tàu Parker cũng đạt kỷ lục mới về tốc độ di chuyển khi đạt tới tốc độ 343.112 km/h vào ngày 5/8 tại điểm tiệm cận Mặt Trời, phá vỡ kỷ lục 247.000 km/h của Helios-2.
Tàu Parker sẽ kết thúc lần tiếp cận Mặt Trời đầu tiên của mình vào ngày 11/11 và sau đó gửi các dữ liệu thu thập được về Trái Đất. Dự kiến, tàu Parker sẽ có 24 lần tiếp cận Mặt Trời trong 7 năm tới và khoảng cách gần nhất mà tàu có thể tiếp cận Mặt Trời trong cả sứ mệnh này là 6,16 triệu km vào năm 2024 nếu mọi việc tiến triển thuận lợi.
Theo NASA, tàu thăm do Mặt Trời Parker có giá 1,5 tỷ USD thực hiện nhiệm vụ giúp nhân loại hiểu rõ hơn về "ngôi sao" lớn nhất trong Dải Ngân hà. Trên hành trình đến Mặt Trời, tàu phải đi qua Sao Kim 7 lần nhằm tận dụng trọng lực của hành tinh này để kéo chính nó lại gần hơn với Mặt Trời.
Những dữ liệu khoa học đầu tiên dự kiến sẽ được truyền về Trái Đất vào tháng 12 tới. Các chuyên gia đánh giá nếu dự án này thành công, loài người sẽ có được những kiến thức chưa từng có về cách Mặt Trời hoạt động, giúp giải thích độ nóng khủng khiếp của vành nhật hoa (còn gọi là khí quyển Mặt Trời), các lực gây ra gió Mặt trời và các hạt năng lượng bắn ra khỏi Mặt Trời với vận tốc hơn 1/2 vận tốc ánh sáng.
Những phát hiện sắp tới này có thể giúp các cơ quan hàng không vũ trụ tìm hiểu và bảo vệ Trái Đất khỏi các quầng Mặt Trời - vốn có khả năng phá hỏng các vệ tinh và mạng lưới điện trên Trái Đất.