Nhờ đó, hoạt động khai thác thủy sản ở tỉnh Bình Thuận tiếp tục được duy trì ổn định. Sản lượng khai thác tỉnh ước đạt bằng xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, những tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của thời tiết, gió Bắc thổi mạnh, nước đục và chảy xiết, thêm vào đó, giá dầu tăng mạnh, thiếu nguồn lao động biển… nên hoạt động khai thác hải sản gặp khó khăn, số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản trên biển không nhiều.
Từ giữa tháng 3/2022 trở đi, thời tiết diễn biến thuận lợi hơn, đa số tàu thuyền tham gia đánh bắt trở lại. Nhất là từ sau khi giá nhiên liệu và các mặt hàng phục vụ khai thác thủy sản bắt đầu “hạ nhiệt”, ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển.
Trong 9 tháng qua, sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh đạt hơn 171.000 tấn, đạt 81% kế hoạch, bằng xấp xỉ so cùng kỳ năm 2021. Cùng với hoạt động khai thác hải sản trên biển, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tăng cường, đặc biệt là thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); khắc phục tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU theo ý kiến kết luận của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh phát hiện một vụ vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Đồng thời, các lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt 239 trường hợp vi phạm các quy định IUU khác như: sử dụng tàu cá không đăng ký, khai thác thủy sản không có giấy phép khai thác thủy sản, khai thác thủy sản sai vùng, sử dụng ngư cụ cấm sử dụng để khai thác…
Tính đến ngày 15/9, tỉnh Bình Thuận có 98,8% tàu cá đang hoạt động đã thực hiện lắp đặt VMS. Nhờ đó, việc theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá đã có sự cải thiện đáng kể, nhất là phát huy hệ thống giám sát tàu cá phục vụ theo dõi, giám sát, cảnh báo kịp thời các trường hợp tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu khai thác 210.000 tấn hải sản trong năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện quản lý chặt nghề giã cào bay, ngăn chặn sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt hải sản; không để tăng tàu cá công suất nhỏ hoạt động ven bờ, nâng cấp, cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ trong hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nhất là việc bốc dỡ hải sản tại cảng.
Đi đôi với khai thác, tỉnh Bình Thuận tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống khai thác IUU thường xuyên, sâu rộng với nhiều hình thức phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành và chính quyền địa phương vùng biển triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá theo Nghị quyết số 02 ngày 25/5/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đồng thời, vận động số chủ tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị VMS khẩn trương lắp đặt, đảm bảo hoàn thành 100% tàu cá được lắp đặt trong năm nay.
Tại các cảng cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất, nhập bến; thực hiện nghiêm túc việc thu nhật ký khai thác, giám sát sản lượng lên bến, xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; bảo quản và lưu trữ hồ sơ đảm bảo khoa học, đúng quy định. Đồng thời, rà soát các công việc liên quan đến phòng, chống khai thác IUU tại cảng để chuẩn bị chu đáo cho việc kiểm tra của Đoàn Thanh tra của EC khi có yêu cầu.