Kết quả đáng cho thấy, những nỗ lực và giải pháp của tỉnh trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định hơn 3 năm qua là đúng hướng và hiệu quả.
Hoạt động chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Cà Mau có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và những quy định có liên quan. Một trong những nội dung được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả là tỉnh đã ban hành các văn bản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Thủy sản và các văn bản Trung ương...
Không chỉ triển khai thực hiện các quy định của Trung ương, trên địa bàn tỉnh đã ban hành khoảng 50 văn bản liên quan lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Đây là lĩnh vực mà trong thời gian ngắn có số lượng văn bản được ban hành, chỉ đạo nhiều nhất trong nỗ lực đưa nghề khai thác phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có khoảng hơn 1.500 tàu trong diện phải tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (dài từ 15 m trở nên). Đến nay, tỉnh có hơn 1.300 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các ngành chức năng Cà Mau xác định, tuyên truyền chính là khâu đột phá để người dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nói chung và thực hiện đánh bắt thủy sản đúng quy định nói riêng.
Về số lượng tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải, việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá của Cà Mau đã cơ bản hoàn thành. Bởi lẽ, 115 tàu cá còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã có 74 tàu nằm bờ tạm ngưng hoạt động do không hiệu quả, khó khăn kinh tế, thiếu thuyền viên đi biển. Còn 41 tàu đang hoạt động lâu ngày trên biển chưa vào bờ hoặc vào các đảo, hòn trong và ngoài tỉnh.
Đối với các trường hợp này, lực lượng chức năng tỉnh đã tiến hành điều tra, xác minh từng trường hợp, làm biên bản cam kết với chủ tàu và quản lý chặt chẽ, cũng như sẽ tiến hành lắp đặt thiết bị khi đưa tàu đi hoạt động khai thác thuỷ sản hoặc vào bờ.
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã rất quyết liệt trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Các cấp, ngành chức ngành địa phương đã quyết tâm vào cuộc, nhiều phần việc được triển khai đồng bộ. Hơn 3 năm thực hiện, Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức, trong đó phần lớn từ ý thức của chính ngư dân.
Trong đó, dù được ngành chuyên môn khuyến cáo, hướng dẫn, nhưng tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Cà Mau vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép tuy đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng vẫn còn xảy ra. Theo đó, tình trạng mất kết nối các thiết bị giám sát hành trình cũng thường xuyên xảy ra, gây khó khăn trong khâu quản lý của ngành chức năng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thì có từ 10-15%/tổng số tàu đã lắp đặt thường xuyên mất kết nối, từ đó gây rất nhiều khó khăn cho quản lý. Theo đánh giá của ngành chức năng, điều này đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế, tài sản của ngư dân cũng như ảnh hưởng rất lớn đến sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong việc tháo gỡ thẻ vàng của EC.
Thượng tá Võ Văn Sử, Phó Chỉ huy Trưởng, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau cho rằng, vẫn còn tình trạng người dân đặt lợi ích kinh tế lên trên ý thức chấp hành pháp luật.
“Chỉ khi nào làm thay đổi được nhận thức của người dân mới ngăn chặn được triệt để các hoạt động khai thác bất hợp pháp. Như hành vi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài nếu đã xử phạt hành chính rồi, sau đó tiếp tục tái phạm thì cần xem xét xử lý hình sự. Có thể tính tới khởi tố một số vụ theo quy định “xuất nhập cảnh trái phép” nhằm đảm bảo răn đe”, Thượng tá Võ Văn Sử, đề xuất.
Trước những hạn chế còn tồn tại, Cà Mau xác định, bước đột phá trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC chính là việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan phải đảm bảo người dân liên tục được cập nhật, tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Công Bằng, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, nội dung tuyên tuyền phải thật ngắn gọn, dễ hiểu; lồng ghép tổ chức tuyên truyền theo hình thức mở lớp tập huấn, đối thoại trực tiếp với các thành phần có liên quan.
Bên cạnh đó là đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn, kỹ năng của lực lượng báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền. Sau khi kết thúc tập huấn, tuyên truyền thì lập danh sách, ký cam kết đã nắm, hiểu rõ các nội dung và chấp hành thực hiện đúng quy định.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá, xem xét và tham mưu UBND tỉnh có văn bản kiến nghị với Chính phủ sửa đổi bổ sung một số văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản cho phù hợp với tình hình thực tế khi triển khai tại địa phương; tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian đã qua.
“Kiểm tra, giám sát chặt chẽ bộ phận trực tiếp thực hiện nhiệm vụ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai phạm. Quan trọng hơn hết là từng cơ quan, đơn vị phải thật sự vào cuộc, quyết liệt triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ được giao”, ông Châu Công Bằng, nhấn mạnh.