Các tàu vỏ thép đã hoàn thành chuẩn bị bàn giao cho chủ tàu tại xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. |
Đây là phương thức đánh bắt truyền thống của ngư dân Nam Định được truyền từ đời này sang đời khác. Lưới kéo có dạng hình ống, phần đầu mở rộng và được bịt kín ở phần cuối để giữ cá, hoạt động theo nguyên lý lọc nước lấy cá, bắt lại tất cả các loại hải sản với mọi kích cỡ khác nhau. Như vậy, với tính chất khai thác triệt để, phương thức đánh bắt này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi hải sản tự nhiên. Mặt khác, cách đánh bắt này cũng không mang lại hiệu quả cao do không có tính chọn lọc...
Ông Hoàng Mạnh Hà, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nam Định cho biết: Với định hướng phát triển các tàu cá có công suất lớn, có khả năng vươn khơi xa, giảm gánh nặng cho nguồn lợi thủy sản gần bờ, tỉnh chủ trương hạn chế tàu có công suất nhỏ, đặc biệt là tàu có công suất dưới 30 CV. Cùng với đó, để đảm bảo khai thác nguồn lợi bền vững, từ tháng 4/2016, tỉnh Nam Định đã dừng việc cấp phép đánh bắt cho các tàu thuyền đăng ký với phương thức đánh bắt lưới kéo.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương ven biển vận động, khuyến khích phát triển các nghề khai thác có tính chọn lọc cao như sử dụng lưới rê (loại lưới chỉ đánh bắt hải sản với cân nặng từ 1,5 kg trở lên), các loại lưới chuyên dụng cho một đối tượng như lưới ghẹ, lưới tôm... , khai thác hải sản bằng phương thức câu...
Với định hướng khai thác chọn lọc, nhiều năm trở lại đây, nghề lưới rê hỗn hợp đã và đang cho hiệu quả và thu nhập lớn cho ngư dân Nam Định. Tại huyện Hải Hậu, nghề lưới rê cho doanh thu trung bình 80 triệu đồng/chuyến/10 ngày đánh bắt với các loại hải sản như cá thu, cá chim, cá nhụ. Đặc biệt, có những tàu cá khai thác hiệu quả sử dụng lưới rê cho năng suất cao như tàu cá của ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Hải Triều, doanh thu đạt 450 triệu đồng/chuyến, tàu cá của ông Lại Đức Trường, xã Hải Chính, doanh thu 250 triệu đồng/chuyến...
Ông Nguyễn Văn Thực, xóm 8, xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (là chủ tàu cá ND 95666, công suất 1055 CV), cho biết, trước đây, gia đình sử dụng tàu vỏ gỗ với công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ. Khi nhận thấy đánh bắt bằng lưới kéo cho thu nhập không cao, lại gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản, nên ông Thực đã cùng với anh em trong gia đình đầu tư nâng cấp tàu gỗ thành tàu bọc thép để khai thác ở vùng khơi xa với phương thức lưới rê. Mỗi năm, sản lượng đánh bắt của tàu đạt gần 26.000 tấn cá thu, cá ngừ. Với 8 lao động, mỗi tháng, thu nhập đạt từ 15 triệu đồng/người trở lên.
Hiện số lượng tàu thuyền công suất dưới 20 CV sử dụng lưới kéo tại Nam Định chiếm tới 70% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh. Việc vận động người dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền có công suất lớn, tổ chức đánh bắt xa bờ; đồng thời chuyển từ sử dụng lưới kéo sang dùng lưới rê thời gian qua đã bước đầu đạt kết quả. Tại các xã Hải Chính, Hải Lý, Hải Triều (huyện Hải Hậu), nhiều ngư dân đã chuyển từ đánh bắt bằng lưới kéo sang sử dụng lưới rê cho hiệu quả khai thác cao.
Xã Hải Lý hiện có 288 tàu thuyền; trong đó có 250 phương tiện đánh bắt gần bờ. Trước đây, ngư dân có tư tưởng tận dụng nghề truyền thống, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ nguồn lợi chưa cao, cộng thêm việc đánh bắt gần bờ nhanh cho thu nhập nên nhiều hộ có tâm lý đánh bắt nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn nâng cấp tàu thuyền để có những biện pháp đánh bắt thân thiện môi trường. Nhận thức được những mặt tích cực trong việc đánh bắt bằng lưới rê, những năm gần đây, bà con ngư dân trong xã có xu hướng nâng cấp dần công suất tàu, hướng đến mục tiêu đánh bắt xa bờ. Vì vậy, đã có gần 40 tàu đánh bắt xa bờ của xã sử dụng lưới rê trong khai thác, đạt sản lượng gần 122.000 tấn hải sản/năm.
Theo ông Vũ Viết Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lý, để đảm bảo nguồn lợi hải sản, khai thác bền vững, xã vận động ngư dân tích cực bám biển, tìm ngư trường mới. Hàng năm, xã tổ chức các lớp đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, khuyến khích ngư dân cải tiến ngư cụ, trang bị thêm thiết bị máy móc, phù hợp với ngư trường để khai thác. Xã cũng có các chính sách khuyến khích ngư dân mạnh dạn đầu tư vay vốn nâng cao công suất máy, đóng mới tàu sắt, kết hợp giữa khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc...