Một số các tàu cá của ngư dân Phú Yên được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP đang hoạt động không hiệu quả, thua lỗ nặng, nhiều chủ tàu đã không còn khả năng trả nợ, bị các ngân hàng khởi kiện, thi hành án.
Ngày 24/3, tại cảng cá Phú Lạc, thị xã Đông Hòa, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Tuy Hòa đã tiến hành kê biên, xác minh kiểm kê tài sản đối với tàu cá PY99993TS của ông Đỗ Ngọc Tín, thị xã Đông Hòa.
Năm 2017, ông Đỗ Ngọc Tín vay 18,5 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Phú Yên. Ông Tín đối ứng thêm 1 tỷ đồng và thế chấp với ngân hàng hai thửa đất để được để đóng mới tàu cá vỏ sắt có chiều dài 27,8m, công suất 800Cv, với 12 lao động hành nghề lưới chụp.
Ngư dân Đỗ Ngọc Tín cho biết, được sở hữu tàu cá vỏ sắt hiện đại thay thế tàu vỏ gỗ không chỉ là ước mơ của riêng ông mà của nhiều ngư dân làm nghề biển. Thế nhưng, tàu cá vươn khơi không được như kỳ vọng, liên tục bị thua lỗ, không đủ kinh phí trả cho ngân hàng, tiền gốc và lãi vay mỗi ngày một tăng. Từ khoản vay 18,5 tỷ đồng, sau năm năm khai thác trên biển đến nay số tiền gia đình nợ ngân hàng đã lên 18,9 tỷ đồng nên phải bán đi một thửa đất (300 triệu đồng) để trả cho ngân hàng, thửa đất còn lại cũng vừa phải kê biên trả nợ.
“Nhiều bất cập khi đóng mới tàu 67 đã được tôi và ngư dân chỉ ra nhưng chưa được giải quyết. Đó là, ngư dân không được lựa chọn cơ sở đóng tàu để tiết kiệm chi phí, phù hợp với nghề đánh bắt. Tàu của tôi được ngân hàng hợp đồng với một cơ sở đóng tàu tại Hải Phòng đóng. Theo tiêu chuẩn mạn tàu vỏ thép phải cao 3,5m để chịu được sóng gió cấp 6,7, tuy nhiên chiều cao mạn tàu của tôi chỉ được đóng cao 3,15m, trong khi hệ thống khung sắt làm nghề lưới chụp rất nặng, tàu không chịu được sóng cấp 5, khai thác trên biển, mỗi lần sóng lớn tàu phải về bờ", ông Tín bày tỏ.
Ngoài ra, chi phí để duy trì tàu sắt quá lớn, trung bình một chuyến biển 20 ngày tốn gần 400 triệu tiền dầu và công lao động. Nhiều chuyến biển đánh bắt bị thua lỗ, ông Tín mong muốn được chuyển đổi nghề nhưng vướng vào các điều khoản hợp đồng vay tín chấp trước đó không chuyển đổi nghề được. Ông mong muốn các cơ quan chức năng có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ ngư dân vay tín chấp đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và trước mắt chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ cho ngư dân.
Trong 19 tàu cá được đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại Phú Yên chỉ có 6 tàu hoạt động hiệu quả, 13 tàu hoạt động cầm chừng, thua lỗ; 10 tàu cá đã bị các ngân hàng khởi kiện, đồng thời chuyển qua thi hành án.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Phú Yên, có 3 chi nhánh ngân hàng thương mại gồm BIDV, Agribank, Vietinbank cho ngư dân vay đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đến ngày 31/12/2021 nợ xấu cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP tại tỉnh trên 156 tỷ đồng. Hiện nay, một số tàu cá đã được các ngân hàng thương mại thu giữ để xử lý vẫn chưa được bán đấu giá vì không có khách hàng mua.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên Đào Quang Minh cho biết: Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được thực hiện đã tạo điều kiện giúp ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá để khai thác xa bờ, phù hợp với định hướng phát triển nghề cá theo hướng hiện đại. Các tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở Phú Yên ít bị hỏng hóc, sự cố kỹ thuật.
Tuy nhiên, do sản lượng thủy sản những năm gần đây suy giảm, chi phí hao tổn của tàu công suất lớn gấp từ 2-3 lần so với tàu nhỏ, hiệu quả từ chuyến biển không đạt nên nhiều tàu cá thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Để gỡ khó cho ngư dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành các công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Phú Yên, các ngân hàng thương mại gia hạn thời gian trả nợ cho các chủ tàu cá.
Thế nhưng, để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Nghị định, hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP cần có giải pháp cụ thể, sát thực tế hơn để chính sách có thể đi vào cuộc sống và phát triển bền vững nghề biển.