Nâng cao năng lực sản xuất nghề cá
Với sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt của các sở, ngành và địa phương ven biển, Nghị định 67 đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc đưa chính sách đi vào cuộc sống. Năng lực sản xuất nghề cá của tỉnh Bình Thuận đã được bổ sung tăng lên cả về số lượng lẫn chất lượng, là dấu mốc quan trọng về sự đa dạng chủng loại tàu cá và nghề nghiệp khai thác trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho thấy, đến ngày 12/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 tổng cộng 187 trường hợp. Từ năm 2014 đến đầu tháng 11/2019, tỉnh đã đóng mới hoàn thành và đi vào hoạt động 114 tàu cá với tổng công suất hơn 79.000 CV (bình quân mỗi tàu công suất gần 700 CV); trong đó, 18 tàu cá vỏ thép, 8 tàu cá vỏ composite và 88 tàu cá vỏ gỗ. Theo nghề hoạt động thì có 33 tàu dịch vụ thủy sản (29%) và 81 tàu cá khai thác xa bờ (71%). Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 6 chiếc tàu cá được nâng cấp, cải hoán hoàn thành.
Sự hình thành đội tàu cá xa bờ từ Nghị định 67 không chỉ làm tăng thêm đáng kể tỷ trọng số lượng tàu cá xa bờ mà còn góp phần cơ giới hóa hoạt động khai thác, sản phẩm sau thu hoạch được bảo quản tốt hơn, gia tăng đáng kể sản lượng, chủng loại hải sản giá trị kinh tế cao trên vùng biển khơi, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ngư dân.
Đây cũng là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh, ngư dân đã mạnh dạn sử dụng tàu cá vỏ thép, vỏ vật liệu mới (composite) và đầu tư phát triển một số nghề mới có phương thức đánh bắt hiện đại như nghề mành chụp 4 tăng gông, lưới rê khơi với trang thiết bị hiện đại, sử dụng hầu hết thiết bị máy móc chuyên dùng chính hãng như: động cơ thủy mới 100%, máy dò cá quét ngang Sonar…
Thực hiện Nghị định 67, Bình Thuận tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp cảng cá, khu tránh trú bão cho tàu cá. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã triển khai xây dựng khu neo đậu tàu cá tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng Phú Quý (đầu tư từ nguồn vốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý) với tổng mức đầu tư 544 tỷ đồng và Dự án Mở rộng, nâng cấp Khu neo đậu tránh bão kết hợp Cảng cá La Gi (do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư) với tổng mức đầu tư 157 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cũng đã đăng ký nguồn vốn Trung ương đầu tư giai đoạn 2016 - 2020 cho 2 dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Mũi Né và Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Chí Công.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Nghị định 67 đã góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản với mục tiêu tái cơ cấu toàn diện, đồng bộ hoạt động khai thác hải sản, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với quản lý, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, tạo mốc quan trọng chuyển hướng phát triển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm.
Tháo gỡ bất cập
Phải khẳng định Nghị định 67 đã làm thay đổi bộ mặt nghề cá, tập quán đánh bắt của ngư dân tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố khách quan như thời tiết, ngư trường thì một số bất cập trong chính sách đã khiến quá trình thực hiện Nghị định gặp khó khăn, nhiều “tàu 67” hoạt động kém hiệu quả. Một số chủ tàu đã gặp không ít khó khăn lúng túng, từ khâu lập phương án, lựa chọn ngành nghề sản xuất và thậm chí không đủ năng lực tài chính, trình độ kinh nghiệm quản lý sản xuất nhưng vẫn tham gia chương trình với số vốn vay lên đến hàng chục tỷ đồng dẫn đến mất khả năng quản lý, cân đối tài chính làm phát sinh và tiềm ẩn nợ xấu, để tàu cá nằm bờ hoặc hoạt động kém hiệu quả kéo dài.
Ngư dân Trần Văn Phấn, ở huyện đảo Phú Quý cho biết, hai năm trước, anh đóng mới tàu vỏ gỗ dịch vụ thủy sản với chiều dài 22m, ngang hơn 6m và công suất 715 CV theo Nghị định 67. Tuy nhiên sau hai năm, tàu hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ nên anh làm đơn xin chuyển đổi sang nghề mành chụp nhưng đến nay chưa được cấp phép. Việc không có giấy phép khiến tàu không thể hoạt động, dẫn tới không có tiền trả tiền vay ban đầu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 9/2019, số tàu cá đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 đang có trạng thái kỹ thuật bình thường là 105 chiếc, số tàu nằm bờ dừng hoạt động là 10 chiếc; trong đó, 12 chiếc hoạt động có lãi, 27 chiếc hòa vốn và 76 tàu báo cáo hoạt động bị thua lỗ.
Ông Bạch Lòng là một trong 7 ngư dân “lão làng” ở thị xã La Gi mạnh dạn tham gia đóng tàu mới theo Nghị định 67 với mong muốn không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sau 2 năm đưa vào hoạt động, “tàu 67” của ông Bạch Lòng hoạt động có lúc huề vốn, có lúc lãi ít. Dù trả được nợ gốc/lãi theo đúng cam kết hợp đồng nhưng hoạt động khai thác của “tàu 67” của ông vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bạch Lòng chia sẻ, vì tàu chuyên nghề mành chụp, đánh bắt các loại mực, cá nục… tuy nhiên thời gian gần đây ngư trường trở nên khan hiếm, một số loại sản ít xuất hiện cộng với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp do tác động của biến đổi khí hậu khiến sản lượng kém. Thêm vào đó, nếu trước đây lao động biển được trả theo kiểu làm theo sản phẩm thì hiện nay phải trả lương tháng (tối thiểu 10 triệu đồng/tháng) nên khiến chủ tàu huề vốn thậm chí thua lỗ.
Còn ngư dân Ngô Khái, ở huyện đảo Phú Quý cho biết, nhiều chủ tàu đang gặp khó khăn vì chính sách bảo hiểm thân tàu còn thiếu nhất quán. Nếu như ngay từ đầu chương trình, chủ tàu được hỗ trợ 90% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu nhưng đến nay theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP mức hỗ trợ chỉ còn 50% nhưng lại không tính phần giá trị ngư lưới cụ.
Mặt khác, theo quy tắc bảo hiểm thực hiện Nghị định 67 thì ngư lưới cụ chỉ được bồi thường khi bị tổn thất 100% theo tàu. Vì vậy, nhiều tàu cá phải tốn phí đóng bảo hiểm ngư lưới cụ nhưng trong quá trình đánh bắt bị hư hỏng thiệt hại ngư cụ chủ tàu không được bồi thường. Điều này đã làm tăng thêm đáng kể chi phí cho chủ tàu hàng năm. Thêm vào đó mức hỗ trợ duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 (200 triệu đồng/năm) vẫn chưa được thực hiện.
Tính đến cuối 9/2019, toàn tỉnh Bình Thuận có 4 chủ tàu đã hoàn thành việc trả nợ gốc/lãi vay đầu tư đóng mới tàu cá (3 trường hợp bảo hiểm bồi thường tai nạn, 1 trường hợp chủ tàu tự trả nợ) và 37 chủ tàu trả được nợ gốc/lãi theo đúng cam kết tại hợp đồng tín dụng với tổng dư nợ 220 tỷ đồng; 77 chủ tàu không trả được nợ gốc/lãi theo cam kết với tổng dư nợ 756 tỷ đồng.
Để gỡ khó cho các “tàu 67”, tỉnh Bình Thuận kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm có quy định, hướng dẫn thực hiện nhanh chóng việc chuyển đổi chủ đầu tư đối với chủ tàu để tàu cá nằm bờ không có khả năng hoạt động nhằm tránh tình trạng để tài sản đầu tư bị mất mát, xuống cấp làm ảnh hưởng đến chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ tại địa phương cũng như tạo tâm lý so bì, ỷ lại đối với các chủ tàu tham gia chương trình đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 trong việc trả nợ vay ngân hàng.
Đối với các chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tình hình thời tiết, ngư trường, mùa vụ bất lợi, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép được cơ cấu lại nợ vay nhưng vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và không bị chuyển nhóm nợ.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính sớm có ý kiến về chủ trương cho phép chủ tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 được tự bỏ vốn đầu tư chuyển đổi nghề sang nghề khác có hiệu quả hơn, đồng thời rà soát, giải quyết các chính sách liên quan đến bảo hiểm thâm tàu…